Lễ hội đền Cửa Ông: Phát huy di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Cập nhật: 15/12/2016
Việc lễ hội đền Cửa Ông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là niềm tự hào, mà còn là thách thức đối với Ban quản lý Đền...

Tiếp sau nghệ thuật hát Then của người Tày ở huyện Bình Liêu và hát Nhà tơ (hay còn gọi là hát cửa Đình) ở Móng Cái, Đầm Hà..., lễ hội đền Cửa Ông của Quảng Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào cuối năm 2016.

Đây là niềm tự hào cũng như động lực để chính quyền, nhân dân Quảng Ninh đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền.

Đền Cửa Ông thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là nơi thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, con thứ 3 của Trần Hưng Ðạo, người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Lễ rước sắc phong, linh vị từ đền thượng trong lễ hội đền Cửa Ông

Lễ hội Đền Cửa Ông là một trong những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào ngày mùng 3/2 (âm lịch) hàng năm, có giá trị lớn trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục và gắn kết cộng đồng; nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương và là điểm đến thu hút khách du lịch.

Cho đến thời điểm này, khu di tích đền Cửa Ông đang hoàn thiện các hạng mục quy hoạch với nguồn vốn đầu tư khoảng trên 500 tỷ đồng. Nổi bật là tuyến đường vành đai khu di tích từ khu vực tượng đài Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đến bến phà Tài Xá dài trên 1km đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng; bãi đỗ xe được mở rộng rất nhiều tạo thuận lợi cho du khách thăm quan, chiêm bái.

Khu vực đền Hạ và đền Thượng cũng đã được mở rộng, thảm cỏ trồng cây xanh, trang trí cờ hoa rực rỡ dường như mang đến cho đền Cửa Ông một diện mạo mới vừa uy nghiêm trầm mặc nhưng cũng rất nên thơ. 

Ông Nguyễn Thành Hải, phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, chia sẻ: “Chúng tôi đã mong mỏi từ lâu, đây cũng là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Di tích này đã có từ lâu, nhân dân địa phương và du khách thập phương đến với tất cả thành tâm, tín ngưỡng của mình. Người dân, du khách mong sao bảo tồn, tôn tạo đền ngày càng tốt hơn. Cảnh quan thì rất đẹp, đền là một nơi rất linh thiêng, không những mùng 1, ngày Rằm, đặc biệt là dịp lễ hội đầu năm, dân thập phương cũng như bà con địa phương về trẩy hội rất đông”.

Dâng hương tại đền Thượng

Hàng năm, có hàng chục vạn lượt khách đến với đền Cửa Ông để cầu mong mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn. Cũng có khi, họ đến đây để tìm những giây phút bình yên nhằm xua tan những lo toan, bộn bề trong cuộc sống. Đặc biệt, mỗi dịp đầu xuân, người dân địa phương và khách thập phương lại về đây dự lễ hội đền Cửa Ông với tất cả lòng thành kính. 

Anh Trần Anh Tuấn, đến từ tỉnh Hải Dương, chia sẻ: “Mỗi lần có dịp về Quảng Ninh, tôi đều ghé vào đền Cửa Ông để thắp hương, nhất là dịp hội đầu năm thì gia đình tôi hay tổ chức về đây dự, xin lộc đầu năm...”.

Việc lễ hội đền Cửa Ông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là niềm tự hào, mà còn là thách thức đối với Ban quản lý Đền, chính quyền, nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền.

Ông Vũ Hồng Chương, Phó Ban quản lý Đền Cửa Ông nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục trùng tu, tu bổ và đặc biệt thời điểm này đang xây dựng một ngôi đền chung cũng như cải tạo, mở rộng khuôn viên, diện tích cho ngôi đền;

Đồng thời cũng tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác quản lý, di tu, bảo dưỡng các nơi thờ tự trong đền đảm bảo tính y nghi, trang nghiêm ngày càng thu hút du khách đến với Cửa Ông nói chung và đến với thành phố Cẩm Phả nói riêng tạo ấn tượng tốt, điểm nhấn cho khu du lịch tâm linh”.

Lễ hội đền Cửa Ông được ví như một bảo tàng sống động với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống… Đến đây, du khách thập phương được ôn lại truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông. Đồng thời nhắc nhở cho thế hệ sau cần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

Mỹ Dung - Hoàng Quy

VOV.VN