(TITC) - Nằm ở nơi “cửa ngõ” của khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh được thiên nhiên ưu đãi với những dãy núi cao, đồng bằng nhỏ hẹp chạy thẳng tắp ra bờ biển. Nơi đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, những giá trị văn hóa dân gian và ẩm thực đặc sắc. Từ những thế mạnh đó, Hà Tĩnh được đánh giá là vùng có tiềm năng du lịch khá toàn diện, hứa hẹn là điểm dừng chân thú vị cho những du khách ưa du lịch khám phá.
Tài nguyên thiên nhiên phong phú
Với gần 140km đường bờ biển trải dài theo hướng từ Bắc vào Nam đã tạo cho Hà Tĩnh nhiều bãi biển đẹp như Thiên Cầm, Thạch Hải, Xuân Thành, Rào An… Cũng từ đó, cơ sở vật chất du lịch, khu sinh thái và các khu nghỉ dưỡng bắt đầu được hình thành níu chân du khách gần xa.
Bãi biển Thiên Cầm
Bãi biển Thiên Cầm cách thành phố Hà Tĩnh 26km, bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, dài 3km tựa như cánh cung khổng lồ cong mềm mại, kết hợp với tiếng sóng, tiếng gió tạo nên những âm thanh réo rắt như tiếng đàn trời (Thiên Cầm có nghĩa là đàn trời). Do chưa được khai thác nhiều nên bãi biển Thiên Cầm vẫn giữ vẻ hoang sơ, cát trắng, nước xanh với môi trường xanh – sạch, đây cũng chính là nét hấp dẫn của Thiên Cầm trước tốc độ phát triển chóng mặt của các vùng biển trong cùng khu vực. Một điểm cộng “lấy lòng” du khách ở Thiên Cầm là đồ hải sản tươi ngon, giá rẻ với chất lượng không thua kém những điểm du lịch nổi tiếng khác. Đi theo con đường dọc bờ biển xuôi về phía nam là làng Cá Cửa Nhượng có truyền thống làm nước mắm với tuổi đời trên một trăm năm tuổi.
Cùng với bãi biển Thiên Cầm, bãi biển Thạch Hải được du khách yêu thích với bãi tắm phẳng, nước trong vắt, cát trắng tinh khôi, sóng vỗ rì rào hòa vào tiếng vi vu của rừng phi lao xanh ngắt chạy dài trên 10 km. Du lịch Thạch Hải không chỉ thu hút khách bằng vẻ đẹp tự nhiên mà còn là sự tiện lợi về vị trí địa lý cũng như dịch vụ. Cách thành phố Hà Tĩnh với khoảng cách lý tưởng chừng 10km, không quá xa cho nhu cầu đi lại của du khách, cũng không quá gần để mất đi vẻ bình dị và hoang sơ. Khi màn đêm buông xuống là lúc bãi biển Thạch Hải rực sáng bởi hàng trăm ngọn đèn đánh cá, câu mực của ngư dân trên biển. Riêng đối với người dân thành phố Hà Tĩnh và các vùng lân cận, Thạch Hải trở thành điểm thư giãn lý tưởng cho cả gia đình mỗi dịp cuối tuần hay suốt cả mùa hè. Vì thế, dù chỉ mới đưa vào khai thác nhưng khu du lịch này đã thu hút trên 5 vạn lượt khách mỗi năm vào mỗi mùa du lịch.
Tiềm năng du lịch biển ở Hà Tĩnh được đánh giá trở thành trục xoay kinh tế của vùng, khi mà người dân vừa tham gia bám biển để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo cho đất nước, quê hương. Cùng với đó, những danh thắng thiên nhiên như núi Hồng, sông La, Chùa Hương, vườn quốc gia Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim, hồ Kẻ Gỗ… vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi khi ghé thăm Hà Tĩnh.
Giá trị văn hóa đặc sắc
“Giang sơn tụ khí”, “Địa linh nhân kiệt” là những từ người ta dùng để gọi vùng đất Hà Tĩnh, không chỉ theo cách nhìn phong thủy mà còn xét về khía cạnh văn hóa. Danh sách những người con kiệt xuất của vùng đất Hà Tĩnh nối dài theo dòng chảy thời gian và lịch sử, dù ở thời đại nào, nơi đây cũng xuất hiện nhiều anh hùng, thi sĩ và danh nhân văn hóa kiệt xuất. Có thể kể đến những người nổi tiếng như Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đại thi hào Nguyễn Du, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ Nguyễn Công Trứ, lãnh tụ phong trào Cần vương Phan Đình Phùng, nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập…
Các khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, quần thể di tích Ngã ba Đồng Lộc… đang trở thành những điểm thu hút khách tham quan trong hành trình khám phá mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 425 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, 77 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Di tích Ngã ba Đồng Lộc
Nhiều khu di tích lịch sử gắn với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã tạo thành hạt nhân chính thu hút khách du lịch như Chùa Hương Tích nằm trên núi Hồng Lĩnh – là 1 trong 21 danh lam thắng cảnh của nước Nam xưa; Đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu, di tích lịch sử văn hóa, đồng thời là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Hay như di tích Hoành Sơn quan nằm trên đèo Ngang, ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình.
Đèo Ngang có độ cao 250m so với mực nước biển, uốn lượn quanh co theo triền đồi núi. Nơi đây từng được mệnh danh là bức tường thành, “phên dậu” phía Nam của nước Đại Việt và đến nay, con đèo đã trở thành di tích lịch sử khi vẫn còn giữ được cửa ải Hoành Sơn quan làm bằng gạch đá (xây dựng dưới triều vua Minh Mạng). Cảnh sắc hòa quyện giữa biển trời, sông núi ở đây đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thi sĩ mà có lẽ nổi tiếng nhất trong đó là tác phẩm “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Đáng chú ý, gần đèo Ngang về phía Hà Tĩnh có đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu, và gần đèo Ngang về phía tỉnh Quảng Bình có đền thờ bà Liễu Hạnh – một di tích kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, xung quanh là các bãi tắm Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương, đảo Yến, tất cả tạo thành một bức tranh thủy mặc hữu tình. Đây có thể coi là cụm du lịch cần được đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn nữa nhằm đưa du lịch phát triển xứng với tiềm năng.
Bên cạnh bề dày lịch sử văn hóa và cách mạng, Hà Tĩnh còn là vùng đất nổi danh với đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ. Nổi bật nhất phải kể đến dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (năm 2014) và Mộc bản Trường Lưu được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới (2016). Ngoài ra còn có Cổ Đạm gắn với ca trù – một loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của thế giới.
Và những món ngon dân dã khó quên
Không chỉ thu hút bởi cảnh núi non hùng vỹ, sông nước hữu tình, du khách đến Hà Tĩnh còn ấn tượng khó quên bởi những món ăn ngon đặc sản, hấp dẫn nhưng giản dị như con người nơi đây. Nổi tiếng nhất và cũng dễ mua làm quà khi ghé qua Hà Tĩnh là những món như bánh cu đơ, bánh bèo, bánh gai Đức Thọ, bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn…
Món bánh đa xúc hến (Nguồn ảnh: Internet)
Điểm chung giữa các món đặc sản nổi tiếng ở Hà Tĩnh là nguyên liệu dễ tìm, đều bắt nguồn từ lúa gạo, sắn… Dân dã, bình dị là vậy nhưng chính cách chế biến đã đem lại phần đặc sắc trong ẩm thực, tạo nét riêng không lẫn khi du khách thưởng thức. Như bù đắp lại cho thiên nhiên khắc nghiệt, tạo hóa đã ban cho Hà Tĩnh một dải miền biển phong phú với các loại hải sản cá, tôm, mực... Mỗi món ăn được chế biến một cách công phu, gói trọn vị mặn, ngọt, chua, cay của mảnh đất miền Trung nhiều nắng gió. Vì vậy, ẩm thực xưa nay ở Hà Tĩnh như một tiêu chí để đánh giá cốt cách, sự khéo léo của mỗi con người.
Các tiềm năng, lợi thế về du lịch của Hà Tĩnh là thế mạnh trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp không khói ở đây. Tại hội nghị xúc tiến du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Hà Nội, ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Ngành du lịch Hà Tĩnh được định hướng là ngành công nghiệp mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói riêng và toàn khu vực miền Trung. Toàn tỉnh hiện có gần 200 cơ sở lưu trú, trong đó có 132 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng.
Sau sự cố môi trường biển, số lượt khách du lịch đến Hà Tĩnh trong 10 tháng đầu năm đạt trên 790.000 lượt khách, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là các điểm đến khu vực miền núi như Khu sinh thái Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Sơn Trung – Hương Sơn), Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim (Hương Sơn), Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên) lại thu hút đông du khách đến tham quan. Như vậy, ngoài việc lựa chọn nghỉ dưỡng tại các bãi biển, nhiều du khách còn thích thú với những địa chỉ du lịch văn hóa, tâm linh hay các địa chỉ tự khám phá.
Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim (Nguồn ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, từ ngày 22 – 26/11/2016, UBND tỉnh và Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia Chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch do Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức tại Thủ đô Bangkok và tỉnh Udonthani (Thái Lan). Tại đây, đoàn đã giới thiệu tới các doanh nghiệp lữ hành Thái Lan tiềm năng, sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương qua những hình ảnh và ấn phẩm du lịch. Gian trưng bày của Hà Tĩnh đã thu hút được sự tham quan đông đảo của nhiều doanh nghiệp, các doanh nghiệp du lịch Thái Lan và Hà Tĩnh cũng đã tạo ra sự kết nối trong việc hợp tác cùng phát triển.
Có thể thấy, Hà Tĩnh đang nỗ lực xúc tiến du lịch không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường châu Á. Với những tiềm năng, lợi thế đang được khai phá, hy vọng rằng Hà Tĩnh sẽ gom đủ hành trang và sẵn sàng bước vào quá trình hội nhập, thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khánh Trang