(TITC) – Tại buổi họp báo sáng ngày 22/12/2016, Tổng cục Du lịch đã thông tin đến báo chí về tình hình hoạt động của ngành Du lịch trong năm 2016.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi họp báo
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành Du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, năm 2016, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Theo đó, chỉ tiêu về lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt được những kỷ lục mới. Năm 2016, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đã đón được hơn 10 triệu khách quốc tế, tăng 25,4% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Ngày 25/12 tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu tại Phú Quốc, Kiên Giang.
Cùng với những kết quả tích cực này, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai. Bộ Chính trị đã họp và nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nội dung về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội cho phép bổ sung, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV. Tháng 8/2016, tại Hội An, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo của Thủ tướng về các vấn đề then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn là tiền đề để tạo sự chuyển biến cơ bản cho phát triển du lịch trong thời gian tới.
Công tác quản lý nhà nước và bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch được nâng cao. Đặc biệt, năm 2016, Tổng cục Du lịch đã triển khai chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú với việc tổ chức 16 hội nghị quán triệt chủ trương với sự tham gia của 47 tỉnh, thành, tiến hành tổng kiểm tra cơ sở lưu trú tại 22 tỉnh, thành là địa bàn du lịch trọng điểm. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 trong công tác quản lý nghiệp vụ của Tổng cục Du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Chiến dịch được tiến hành quyết liệt, công khai, minh bạch và nhận được sự đồng thuận của các địa phương, doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam.
Ngành Du lịch đã xây dựng các Đề án “Tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch”, “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lữ hành và hoạt động của hướng dẫn viên” và “Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch”, đảm bảo hiệu quả quản lý đồng bộ trên cả nước.
Ngành Du lịch cũng đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật. Hàng loạt hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí hiện đại mang tầm quốc tế của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực được đưa vào hoạt động nhằm gia tăng giá trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất. Năm 2016 đã có 75 cơ sở lưu trú 3-5 sao được công nhận mới; đồng thời 36 cơ sở lưu trú không đảm bảo tiêu chuẩn xếp hạng đã bị thu hồi hạng sao.
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nhấn trong năm 2016. Ngành Du lịch đã tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai các chiến dịch e-marketing nhằm nâng chất lượng truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam. Tham gia 10 hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức roadshow giới thiệu du lịch Việt Nam tại 16 thành phố của Trung Quốc và tại nhiều quốc gia khác. Tổ chức thành công các sự kiện du lịch quan trọng trong nước như Hội chợ VITM Hà Nội, BMTM Đà Nẵng; ITE TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao với việc thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về Du lịch và Thể thao vì sự phát triển bền vững. Bộ VHTTDL phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện chương trình quảng bá về du lịch (VTVtrip)…
Công tác liên kết, phát triển sản phẩm du lịch mới được chú trọng. Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long đạt được nhiều kết quả tích cực với số lượng khách và tổng thu du lịch trong vùng đều tăng 20% so với năm 2015. Bên cạnh đó, nhiều địa phương nỗ lực gắn kết, phát huy tiềm năng du lịch, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách.
Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục các hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển thông qua 2 hội nghị kích cầu du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch miền Trung tại Thái Lan, tổ chức 2 đoàn khảo sát đến các tỉnh miền Trung để chứng kiến môi trường đã được phục hồi, an toàn cho khách du lịch nhằm thu hút khách đến với các địa phương này.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch còn có những hạn chế cần khắc phục, trong đó có chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa đảm bảo, năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế chưa được cao, quản lý hoạt động khách du lịch một số thị trường và hướng dẫn viên người nước ngoài còn những bất cập, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
Với những kết quả quan trọng đạt được trong năm 2016, cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã dành thời gian trao đổi với các phóng viên về nhiều vấn đề như cải thiện chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, cơ cấu thị trường nguồn mục tiêu của Du lịch Việt Nam, định hướng xúc tiến quảng bá năm 2017, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của các đơn vị kinh doanh du lịch, triển khai visa điện tử,… Các phóng viên cũng đã tiến hành bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Du lịch trong năm 2016.
Tin: Thu Thủy; Ảnh: TF