Lần đầu tiên TP. Hội An tổ chức lễ hội trình diễn ánh sáng nghệ thuật tại khu phố cổ Hội An chào đón Tết Nguyên đán 2017.
Ảnh minh họa
Chương trình kéo dài từ 30 đến mùng 9 Tết (27/1-5/2/2017) tại 6 điểm: Chùa Cầu, cầu An Hội, sông Hoài, công viên Kazik, điểm dừng chân số 2 Bạch Đằng và một đoạn phố trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Mỗi tối sẽ có 3 buổi diễn vào 19h, 20h và 21h, mỗi suất diễn kéo dài từ 7-10 phút. Tổng kinh phí thực hiện là 22 tỷ đồng, do Công ty TNHH Index (Thái Lan) tài trợ.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết lễ hội trình diễn ánh sáng nghệ thuật tại phố cổ Hội An là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện lớn của tỉnh Quảng Nam năm 2017, như: Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, chương trình tham quan dành cho phu nhân/phu quân của người đứng đầu 21 nền kinh tế APEC và các đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Quảng Nam…
‘Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản’
“Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản” là chủ đề của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017, được đánh giá sẽ là không gian lễ hội đa sắc màu, giàu cảm xúc.
Festival Di sản năm 2017 sẽ diễn ra tại TP. Hội An, Tam Kỳ, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Tây Giang, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Trà My. Lễ khai mạc được tổ chức vào tối 9/6 tại biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ.
Trong khuôn khổ Festival có nhiều sự kiện được tổ chức như: Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ V-Hội An 2017 với sự tham gia của gần 30 đoàn hợp xướng, khoảng 1.500 nghệ sĩ từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ; Festival diều quốc tế, với sự tham gia trình diễn của các nghệ nhân đến từ 8 quốc gia với khoảng 300 con diều truyền thống và hiện đại.
TP. Hội An còn là nơi diễn ra nhiều festival đặc sắc như: Chương trình giao lưu các đô thị di sản thế giới, Liên hoan ẩm thực quốc tế, Festival tơ lụa Việt Nam và thế giới. Dịp này, bãi biển An Bàng sẽ thêm phần hấp dẫn với giải lướt ván buồm vô địch thế giới và giải đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng, có sự tham gia của hàng trăm tay đua đến từ 30 quốc gia.
Tại các địa phương trong tỉnh nhiều hoạt động hưởng ứng Festival cũng được tổ chức như: Tam Kỳ với Tam Thanh cảm xúc mùa hè, Lễ hội sâm núi Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung, thưởng thức chương trình nghệ thuật Huyền thoại Apsara tại Khu đền tháp Mỹ Sơn huyện Duy Xuyên.
Tây Giang với không gian trình diễn nghi thức dựng cây nêu của 20 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với chương trình Hương sắc vùng cao. Thị xã Điện Bàn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời, nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị lịch sử-văn hóa của Dinh trấn Thanh Chiêm gắn với sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Ngoài ra còn có sự kiện khác như lễ kỷ niệm 40 năm ngày khởi công xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh và các lễ hội đầu xuân như: Lễ hội Cầu Bông, lễ Nguyên tiêu, lễ hội Khai Sơn, lễ hội bà Thu Bồn, lễ cầu ngư, lễ rước cộ bà Chợ Được…
Với các hoạt động phong phú này, năm 2017, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách, tăng gần 15% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế chiếm 50% tổng lượt khách.
Thế Phong