Lần đầu tiên trưng bày đặc biệt về 18 bảo vật quốc gia
Cập nhật: 11/01/2017
18 bảo vật quốc gia thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia lần đầu tiên được giới thiệu một cách hệ thống trong cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Bảo vật quốc gia Việt Nam” diễn ra từ nay đến hết tháng 5/2017.

Đây là cuộc triển lãm nhằm giúp khách tham quan lần đầu tiên có cái nhìn tổng thể về sưu tập bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cũng như khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa ẩn chứa trong mỗi bảo vật. Đồng thời, giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo, tư duy thẩm mĩ, sự sáng tạo cũng như bàn tay tài hoa, khéo léo của người Việt Nam. Từ đó, khích lệ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa trong mỗi người dân Việt Nam.

18 bảo vật quốc gia là những “kho báu” di sản văn hóa mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ, bảo quản cùng với gần 20 vạn tài liệu, hiện vật gốc có giá trị. 18 bảo vật cũng là những hiện vật đứng đầu trong “top" hiện vật quý, hiếm và độc đáo của khối hiện vật đồ sộ này. Tiêu biểu, như: Trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ là hai bảo vật của nền văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách đây khoảng 2.000-2.500 năm.

Ngoài ra, các bảo vật quốc gia thuộc thời đại Văn hóa Đông Sơn còn có Thạp Đào Thịnh; Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn; Cây đèn hình người quỳ; Mộ thuyền Việt Khê. Trong đó, cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Riêng mộ thuyền Việt Khê là bảo vật có hiện trạng nguyên vẹn nhất, chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, là nguồn tài liệu nghiên cứu các ngành nghề thủ công truyền thống và lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn.

Cũng ở cuộc triển lãm đặc biệt này, công chúng có cơ hội thưởng lãm những đường nét hoa văn tinh tế trên bảo vật Bình vẽ thiên nga, thời Lê Sơ, thế kỷ XV - chiếc bình có kích thước lớn nhất, nguyên vẹn nhất trong sưu tập hiện vật độc bản khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm; Bia điện Nam Giao, hiện vật đá ở thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Trị 4 (1679), một trong những di vật có giá trị nhất còn sót lại của Đàn Nam Giao Thăng Long; trống đồng Cảnh Thịnh, thời Tây Sơn, năm1800, hiện vật độc bản trong phức hợp trống đồng Việt Nam.

Một hiện vật đặc biệt khác cũng gây sự chú ý đối với công chúng là bảo vật có chất liệu bằng vàng: Ấn “Sắc mệnh chi bảo”, thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 8, 1827, là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hay Nhật ký trong tù, Sách Đường Kách mệnh, bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là những bảo vật quốc gia gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những sáng tác thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - những di sản tư tưởng, văn hóa lớn lao mà Người đã để lại cho toàn dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đã đánh giá cao triển lãm "Bảo vật quốc gia Việt Nam" do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức, và khẳng định: Các bảo vật quốc gia là gia sản quý của dân tộc. Việc tổ chức các triển lãm để giới thiệu di sản đến người dân là cần thiết để phát huy giá trị của di sản; Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần thường xuyên tổ chức những triển lãm có ý nghĩa như triển lãm "Bảo vật quốc gia Việt Nam".

Trong khuôn  khổ của triển lãm cũng đã diễn ra lễ hiến tặng mô hình hiện vật Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Pháo Đồng Kỵ. Đây là một phần của Lễ hội làng Đồng Kỵ - tác phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được làm bằng gỗ và sơn son thếp vàng. 

Công Thương