Lâm Đồng: Tổng điều tra di sản văn hóa cồng chiêng
Cập nhật: 22/03/2007
Lâm Đồng sẽ mở cuộc điều tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về di sản văn hóa cồng chiêng, để có biện pháp bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa quý này.

Cuộc điều tra được tiến hành từ nay đến hết năm 2007, ở 5 nhóm dân tộc thiểu số sống trên địa bàn tỉnh là Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, Xtiêng và M' Nông.

Cùng với việc thu âm, thu hình, ký âm, thống kê số lượng cồng chiêng và nghệ nhân, tỉnh cũng sẽ lập hồ sơ để lưu giữ và phổ biến nghệ thuật đánh cồng chiêng cho cả cộng đồng.

Cồng, chiêng là loại nhạc khí làm bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen, loại lớn nhất có đường kính tới 120cm. Cồng chiêng có thể dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 13 chiếc, thậm chí có thể tới 20 chiếc. Cồng chiêng thường được dùng trong các hoạt động lễ tết, hội hè.

Cuối năm 2005, Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu, di sản phi vật thể của nhân loại.
TTXVN