Lễ rước vua giả về đền Sái bái yết thần Trấn Vũ
Cập nhật: 08/02/2017
Ngày 11/1 âm lịch hàng năm, nhân dân làng Thụy Lôi (Đông Anh, Hà Nội) lại tổ chức Lễ rước vua giả đền Sái. Lễ hội rất độc đáo và ý nghĩa này tái hiện câu chuyện đậm màu huyền thoại: thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.

Vua giả được rước về đền Sái

Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng bị con ma gà trắng (Bạch Kê Tinh) tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời nên đắp mãi không được. Nhờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt Bạch Kê Tinh núp ở Thất Diệu Sơn nên An Dương Vương mới xây xong thành. Từ đó, thần Trấn Vũ được thờ trên đền Sái – ngôi đền nằm trên đỉnh Thất Diệu Sơn. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả.

Năm nay, Lễ rước vua giả vẫn được tổ chức vào ngày 11/1 âm lịch (tức ngày 7/2). Như mọi năm, “Vua”, “chúa” và các “quan” đều là những cụ cao niên, có đức độ và uy tín trong dân.

Chuẩn bị cho nghi lễ chính thức, "Vua" phải làm lễ tế tại đền Thượng, còn "Chúa" tế lễ ngay tại đền Sái, sau đó, "Chúa" đi bộ về đền Thượng đón "Vua" và tự tay chém gà trắng rồi chém tiếp ba nhát gươm gỗ vào một hòn đá và đổ bát tiết gà lên đá, tượng trưng cho việc đã trừ xong yêu quái ma gà.

Lễ rước vua giả đền Sái nhắc nhở con cháu nhớ về một thời kỳ dựng nước của dân tộc – thời kỳ An Dương Vương cùng các quan và nhân dân đồng lòng xây dựng Loa Thành, chống lại thiên tai, địch họa. Việc vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả để tránh hao phí tiền của, công sức của nhân dân là một kinh nghiệm quý báu cho con cháu noi theo thực hành tiết kiệm.

Thanh Thúy

Báo Nhân dân