Tập trung xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”
Cập nhật: 15/02/2017
Bước vào năm 2017, Phú Yên xác định và tập trung nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là điểm nhấn quan trọng và là động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.

  

Đó là khẳng định của đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên. Theo đồng chí Huỳnh Tấn Việt, năm 2016, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đợt hạn hán những tháng đầu năm và mưa lũ những tháng cuối năm đã gây nhiều thiệt hại nặng nề đối với Phú Yên; song được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Trung ương, các tỉnh bạn, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân nên tỉnh nên Phú Yên không những đã vượt qua được các khó khăn mà còn thu được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,45% (cao hơn năm trước 0,17%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách nhà nước hơn 3.207 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều giảm còn 10,3% (giảm 2,3% so với năm trước); bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc...

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì Phú Yên hiện vẫn còn là một tỉnh nghèo, phát triển chậm hơn so với các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. “Điều chúng tôi trăn trở nhất hiện nay vẫn là quy mô nền kinh tế tỉnh còn nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh để làm đầu tàu dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển; chưa có nhiều sản phẩm, thương hiệu mạnh có thể cạnh tranh được ở thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng chưa được khai thác, phát huy hiệu quả; đời sống nhân dân đã được nâng lên đáng kể so với trước, nhưng vẫn còn một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai còn khó khăn, trong khi nguồn lực địa phương còn hạn hẹp; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chậm được cải thiện” - đồng chí Huỳnh Tấn Việt cho biết.

Nói về giải pháp để đưa Phú Yên tiếp tục vượt qua khó khăn, không ngừng bứt phá vươn lên, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Huỳnh Tấn Việt khẳng định: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tạo ra những đột phá mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển với tốc độ mạnh hơn, bền vững hơn. Trong đó, mục tiêu chung là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7,8%; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 8,12%; tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội và tiếp tục đưa Phú Yên phát triển.

Trong các chủ trương, giải pháp đưa ra trong năm 2017, Phú Yên sẽ tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch để khai thác, phát triển. Trước mắt, Tỉnh uỷ đã giao UBND tỉnh và ngành Văn hoá,Thể thao và Du lịch cụ thể Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng như Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về đầu tư phát triển du lịch, trong đó đặt mục tiêu: “Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.

Thực hiện nhiệm vụ trên, ngay từ những ngày đầu năm 2017, UBND tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung bắt tay tiếp tục cho công tác lập quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, đáng chú ý là hiện tỉnh đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập quy hoạch Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài gắn với khu vực bãi biển Từ Nham, ghềnh Đá Đĩa; lập quy hoạch đầu tư khu vực Bãi Môn - Mũi Điện - Vũng Rô…

Cùng với quy hoạch, hiện Phú Yên cũng đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các danh thắng, di tích phục vụ du lịch như: Ghềnh Đá Đĩa, khu di tích Tàu không số Vũng Rô, khu danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện, Công viên văn hóa núi Nhạn, đường đi bộ ven biển thành phố Tuy Hòa... Nghiên cứu hình thành và nâng cao chất lượng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên, trong đó sẽ lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hoá là nền tảng và hình thành các tour du lịch chuyên đề về tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, làng nghề. Tổ chức liên kết với các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng và liên kết với các đơn vị lữ hành ở các trung tâm lớn, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đưa khách về Phú Yên. Tập trung xây dựng chiến lược marketing du lịch Phú Yên, trong đó sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, nhất là quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại nơi công cộng, bãi biển, khu di tích, điểm du lịch, ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ du khách…

CPV