Theo ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đối với lĩnh vực du lịch từ năm 2016 đến 2020 tỉnh Bình Dương có nhu cầu được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm từ 15-20%, phần còn lại từ các nguồn vốn kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương đạt mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt khoảng 20%. Tỉnh chú trọng bảo tồn quỹ đất cho phát triển du lịch sinh thái, hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ cao cấp.
Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Đáng, các loại hình du lịch được tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư trong giai đoạn năm 2016-2020 gồm du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch thể thao cao cấp, du lịch văn hóa truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành các cụm du lịch tiêu biểu như cụm phía Nam, gồm thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần phía Nam thị xã Bến Cát sẽ tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch miệt vườn, tham quan làng nghề, vui chơi giải trí, di tích lịch sử, văn hóa.
Cụm phía Tây Bắc tỉnh tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chính gồm tham quan Núi Cậu, du lịch trên hàng lang sông Sài Gòn (thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng). Còn phía Đông của tỉnh sẽ phát triển du lịch dọc sông Đồng Nai, sông Bé, với sản phẩm là du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử.
Giai đoạn 2011-2015, tại Bình Dương, tổng lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm 2,3%, trong đó tăng trưởng khách nội địa đạt khoảng 4%.Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Bình Dương đạt 4.390.000 lượt, trong đó có 205.000 lượt khách quốc tế, 4.185.000 lượt khách nội địa (đạt 100% kế hoạch năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015); doanh thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015.