Ðể khai thác tiềm năng du lịch, sau Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Tỉnh ủy Bạc Liêu ra Nghị quyết số 02 về "Ðẩy mạnh phát triển du lịch". Qua hơn 5 năm nỗ lực, ngành du lịch tỉnh đã có bước phát triển rõ nét, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tăng trưởng đều hằng năm
Ðể tạo "cú huých" cho ngành du lịch phát triển, nhiều năm qua, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, nhất là UBND tỉnh Bạc Liêu đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá… đồng thời, chủ động và tích cực liên kết với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương. Bạc Liêu hiện có gần 50 di tích lịch sử, văn hóa cùng bờ biển dài hơn 56 km khá đẹp, có khu rừng ngập mặn xanh ngát. Ðặc biệt, tỉnh rất chú ý việc kết hợp hài hòa, phong phú bản sắc văn hóa của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, nhằm phát triển du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước… Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam phấn khởi cho biết: Hiện nay, tại 13 tỉnh ÐBSCL có 33 điểm du lịch tiêu biểu thì Bạc Liêu có tám điểm, chiếm gần 25% toàn vùng. Từ năm 2012 đến nay, doanh thu từ du lịch, dịch vụ của tỉnh tăng trung bình hơn 20%/năm; năm 2015 đạt khoảng 970 tỷ đồng; lượng khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 1,1 triệu lượt người. Ðặc biệt, năm 2016, Bạc Liêu đón khoảng 1,3 triệu lượt khách. Năm 2017, tỉnh phấn đấu đạt 1,5 triệu lượt… Phát huy kết quả đạt được, hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch. Hiện, tỉnh có hơn 50 cơ sở lưu trú, trong đó hơn 30 khách sạn đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao. Gần đây, Tổng cục Du lịch đã quyết định công nhận Khu du lịch sinh thái và ẩm thực Hồ Nam đạt chuẩn 3 sao. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng phục vụ du lịch cũng được nâng cấp như: Khu Quán âm Phật đài; Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi); Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu ở xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân); Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; cụm nhà Công tử Bạc Liêu…
Ðáng chú ý, thời gian qua, nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Bạc Liêu rất thích thú được đến tham quan công trình điện gió Bạc Liêu, được tận mắt ngắm nhìn những cánh quạt đang quay tít rất sinh động, đẹp mắt; cảm nhận được những giá trị không nhỏ từ thiên nhiên ban tặng và nhờ bàn tay và trí óc của con người. Ngoài ra, các địa điểm mới được đầu tư xây dựng và khai thác như Khu du lịch phường Nhà Mát, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương… cũng thu hút đông đảo du khách gần xa. Nghị quyết của Tỉnh ủy Bạc Liêu (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm tỉnh thu hút khoảng hai triệu lượt khách du lịch trở lên; doanh thu từ du lịch - dịch vụ đạt hơn 2.000 tỷ đồng; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân...
Mở rộng cửa với nhà đầu tư và du khách
Có dịp trò chuyện với du khách trong và ngoài nước đến Bạc Liêu, chúng tôi thấy rõ sự chuyển biến trong tình cảm của nhiều người với mảnh đất này, khi họ nhận xét: Những năm trước đây, Bạc Liêu chỉ là "điểm lướt", thì hôm nay đã thật sự là "điểm đến, điểm dừng" khá hấp dẫn và mới mẻ.
Ông Ngô Xuân Pha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần (CTCP) ô-tô Bảo Toàn, một doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đến Bạc Liêu đầu tư khu du lịch tại cửa biển phường Nhà Mát, cho biết: "Sau khi Tỉnh ủy Bạc Liêu có nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhất là qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy lãnh đạo tỉnh rất quan tâm việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa phương hợp tác phát triển. Vì vậy, công ty chúng tôi đã tin tưởng huy động mọi nguồn lực, thậm chí bán cả nhà và đất tại TP Hồ Chí Minh để có thêm vốn đầu tư vào Khu du lịch cửa biển Nhà Mát". Từ năm 2010 đến nay, CTCP ô-tô Bảo Toàn đã đầu tư tổng số vốn giai đoạn đầu hơn 500 tỷ đồng, xây dựng một số hạng mục trên diện tích hơn 21 ha. Ðây được xem là khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng khá lý tưởng, có quy mô lớn ở khu vực ÐBSCL tính đến thời điểm hiện nay. Ông Pha cũng lạc quan khi nhận xét, đến Bạc Liêu hợp tác, đầu tư phát triển du lịch, công ty của ông nói riêng và nhiều nhà đầu tư khác luôn được sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh cho nên rất an tâm, phấn khởi hợp tác, làm ăn lâu dài.
Tương tự, thời gian qua, CTCP Du lịch Hồ Nam (Bạc Liêu) đã mạnh dạn đầu tư khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, ẩm thực… tại phường 1, TP Bạc Liêu. Ðặc biệt, tại Khu du lịch sinh thái và ẩm thực Hồ Nam này hiện có nhiều món ăn đặc sản, dân dã của Bạc Liêu, nơi hội tụ nền văn hóa ẩm thực đa dạng và đặc sắc của ba dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer cùng nhiều món ăn mang đậm phong cách ẩm thực phương nam… "CTCP Hồ Nam đang tích cực triển khai thực hiện dự án xây dựng khách sạn theo thiết kế nhà Công tử Bạc Liêu; đồng thời xem xét, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương cho công ty xây dựng một số khu vực và tổ chức các hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của du khách. Chúng tôi đã rất nỗ lực phấn đấu xây dựng Khu du lịch Hồ Nam thật sự là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn, thân thiện; góp phần điểm tô cho "bức tranh" du lịch Bạc Liêu thêm đậm sắc thái mới", ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Du lịch Hồ Nam khẳng định.
Có thể thấy, nhờ quyết tâm cao, cùng những chủ trương, chính sách mới mẻ, phù hợp và cách làm sáng tạo, du lịch Bạc Liêu mấy năm gần đây đã vượt qua nhiều khó khăn, phát triển khá "ngoạn mục", trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đáp ứng xu thế và yêu cầu của địa phương và đất nước thời kỳ phát triển, hội nhập.