Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống di tích lịch sử-văn hóa đa dạng cùng với sự phát triển du lịch mạnh mẽ những năm qua, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất khu vực phía Bắc vào năm 2020.
Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn cho biết Đồng Văn có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị về địa chất, địa mạo, huyện Đồng Văn còn là địa phương có nhiều di tích văn hóa-lịch sử và địa chất của Hà Giang.
Đồng Văn - vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn chiếm trên 40% tổng số điểm di sản địa chất trên toàn khu vực công viên. Ngoài 4 di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia (gồm Dinh thự họ Vương, Phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và di tích hóa thạch Tay Cuộn xã Ma Lé), Đồng Văn còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc với nhiều di sản văn hóa phi vật thể như lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, lễ hội Gầu Tào…
Du lịch Đồng Văn có sự chuyển biến mạnh mẽ kể khi công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vào năm 2010. Lượng khách đến với Đồng Văn tăng hơn 10 lần từ mốc 20.000 lượt khách vào năm 2010 lên trên 260.000 lượt khách năm 2016. Để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, huyện Đồng Văn đã kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng du lịch. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn (từ 150 giường ngủ năm 2010 lên trên 1.000 giường như hiện nay); đồng thời cải tạo các điểm tham quan, chú trọng nâng cấp điều kiện vệ sinh môi trường tại các điểm đến.
Theo ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn, để thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất khu vực phía Bắc, Đồng Văn sẽ tiếp tục duy trì nền tảng phát triển du lịch sẵn có; kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; tăng cường bảo tồn và khai thác du lịch đối với các di sản, di tích văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh khai thác và phát triển du lịch gắn với hoa tam giác mạch bởi qua hai lần đăng cai lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang, lượng khách đến với Đồng Văn dịp lễ hội này chiếm 50% lượng khách cả năm.
Ngay đầu năm 2017, lượng khách đến Đồng Văn đạt gần 4.000 lượt, tăng khoảng 30 % với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng ấn tượng, dự báo lượng khách đến Đồng Văn sẽ cán đích khoảng 300.000 lượt khách năm 2017 và các năm tiếp sẽ tăng theo đúng lộ trình phát triển du lịch của huyện. Để hoàn thành mục tiêu thu hút khách năm 2017 và tạo đà cho những năm tiếp theo, huyện sẽ quy hoạch cây tam giác mạch bài bản hơn.
Tại mỗi điểm du lịch, sẽ bố trí diện tích trồng tam giác mạch rộng trên 2 ha nhằm tạo quy mô cảnh quan như ruộng bậc thang hoa, thung lũng hoa, đồi hoa, cánh đồng hoa… Các điểm quy hoạch đó sẽ duy trì trồng hoa tam giác mạch và gắn với bãi đỗ xe và nhà vệ sinh công cộng. Dự kiến, khoảng 10 tỷ đồng sẽ được đầu tư hỗ trợ trồng tam giác mạch, xây dựng nhà vệ sinh và bãi đỗ xe tại các điểm tham quan.
Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, Cao nguyên đá Đồng Văn mà trong đó huyện Đồng Văn là vùng lõi được xác định là điểm đến độc đáo của du lịch Việt Nam và là điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến với vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Hiện tại, tỉnh Hà Giang và ngành du lịch đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch Cao nguyên đá Đồng Văn thành Khu du lịch quốc gia với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng như tham quan, nghiên cứu giá trị địa chất, cảnh quan, các di tích, văn hóa dân tộc, thể thao leo núi, du lịch mạo hiểm… Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc, Hà Giang xác định Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 3 là điểm nhấn du lịch của năm, trong đó Đồng Văn là trung tâm của lễ hội.