(TITC) - Nằm ở vùng Đông Bắc tổ quốc, Lạng Sơn hay còn được gọi trìu mến là xứ Lạng thu hút du khách gần xa không chỉ bằng ẩm thực độc đáo, những khu chợ mua sắm tấp nập mà còn bằng nền văn hóa đa dạng và những lễ hội xuân đặc sắc.
Vốn là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc anh em như Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Hoa, Sán Chay…tạo cho xứ Lạng sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Điều này được thể hiện rõ trong các phong tục tập quán, lễ hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Các lễ hội tại Lạng Sơn được diễn ra từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch, có thể kể đến những lễ hội như Lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng, hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, hội Chùa Tiên, hội Chùa Bắc Nga, lễ hội Bủng Kham, lễ hội Ná Nhèm…
Chùa Tam Thanh nằm tại động Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn
Nằm trong quần thể khu danh thắng Nhị – Tam Thanh – Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc, Chùa Tam Giáo trong động Nhị Thanh và Chùa Tam Thanh tại động Tam Thanh luôn là điểm đến nổi tiếng với nhiều du khách. Trải qua thăng trầm lịch sử, vẻ đẹp tự nhiên của quần thể khu danh thắng Nhị - Tam Thanh vẫn được bảo tồn với vòm động cao, bên trong là nhiều thạch nhũ thiên tạo sinh động, bắt mắt. Đặc biệt, đi sâu vào động Tam Thanh, du khách sẽ bắt gặp hồ nước có tên gọi là hồ Âm Ty (hay còn gọi là hồ Cảnh), một hồ nước trong vắt tự nhiên và không bao giờ cạn. Lễ hội Chùa Tam Thanh được tổ chức vào 15 tháng giêng hàng năm với nhiều hoạt động phong phú như diễn xướng, các trò chơi ném còn, đấu cờ người, thi múa võ hòa cùng làn điệu then, sli, lượn tạo nên bầu không khí vui tươi, ấm áp.
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”
Câu ca dao da diết hẳn quen thuộc với những du khách có cơ hội đến Lạng Sơn. Nổi tiếng với phố Kỳ Lừa – nơi phố chợ sầm uất nằm bên dòng sông Kỳ Cùng, với Nàng Tô Thị - biểu tượng cho sự thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam, Lạng Sơn còn hấp dẫn khách thập phương với Đền Mẫu – một ngôi đền uy nghi, cổ kính nằm tại thị trấn Đồng Đăng, cách thành phố Lạng Sơn 15km.
Đền Mẫu Đồng Đăng tại huyện Cao Lộc
Đây là ngôi đền lớn có giá trị về kiến trúc, tín ngưỡng – tôn giáo và lịch sử, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, nhất là dịp lễ hội được tổ chức ngày 10 tháng giêng hàng năm. Tham quan, chiêm bái đền Mẫu Đồng Đăng, du khách có thể kết hợp tham quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và mua sắm trong khu chợ thị trấn Đồng Đăng.
Bên cạnh đó, Chùa Tân Thanh (còn gọi là Tân Thanh Tự) – một ngôi chùa lớn nằm tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt-Trung dù mới được xây dựng từ 2 năm trở lại đây nhưng đã trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn với du khách hành hương. Hiện tại, ngôi Tam Bảo với diện tích 1.300 m2, Điện thờ Thánh Mẫu, Đại bảo tháp, Điện Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm đã hoàn thiện. Các công trình điện thờ Đức Thánh Trần và điện thờ Tứ Đại Thiên Vương (Tứ Trấn) đang được khẩn trương hoàn thành. Trong đó, Điện thờ Đức Thánh Trần và Điện thờ Đức Thánh Mẫu là hai công trình tiêu biểu gắn liền với bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Chùa Tân Thanh, huyện Văn Lãng
Với vị trí trấn ải, chùa Tân Thanh nơi biên cương tổ quốc không chỉ là nơi thờ Phật mà còn có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa, tâm linh, đồng thời khẳng định chủ quyền biên giới của dân tộc Việt Nam.
Du xuân miền xứ Lạng vào mùa lễ hội, du khách còn có dịp dự lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, lễ hội có quy mô lớn nhất và dài nhất tại Lạng Sơn. Diễn ra từ ngày 22-27 tháng giêng âm lịch, trong đó hoạt động đặc sắc nhất là rước kiệu từ đền Quan lớn Tuần Tranh (còn gọi là đền Kỳ Cùng) đến đền Tả Phủ thờ Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài. Mang nhiều ý nghĩa văn hóa nổi bật của xứ Lạng, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ hàng năm đều thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Vịt quay - món đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn. Nguồn ảnh: Internet
Đến với Lạng Sơn, du khách không chỉ hòa mình vào không khí nhộn nhịp của lễ hội xuân mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản nức tiếng gần xa. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến vịt quay mác mật, lợn sữa quay, bánh cao sằng, bánh cuốn trứng, bánh áp chao, phở chua, rượu Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn… Với xứ Lạng, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ của đỉnh Mẫu Sơn trùng điệp, thả hồn cũng non nước ngàn mây, mà còn được thưởng thức những đặc sản mang đậm hương vị của vùng rừng núi Đông Bắc.
Bài: Minh Tuệ, Ảnh: Anh Dũng