(TITC) - Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế bao gồm toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán dưới dạng các bài văn thơ được chạm, khắc, khảm, nạm, đắp… trên các di tích kiến trúc cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 – 1945). Đây là di sản tư liệu thể hiện tư tưởng của các vị vua triều Nguyễn về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc dân sinh.
(Ảnh: VOV)
Chủ yếu là thơ ngự chế của các hoàng đế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thể hiện nhiều chủ đề khác nhau như ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất; ca ngợi cảnh đẹp vùng đất đế đô, của hoa cỏ, cây cối, các mùa trong năm; khuyến khích nông nghiệp… Thơ phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn; câu đối đa dạng và không cố định số chữ; đại tự chủ yếu là các mỹ tự với ý nghĩa tốt đẹp.
Về hình thức, các bài thơ văn thường được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, tức là mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh.
Tranh trang trí cũng rất đa dạng, phổ biến mang chủ đề bát bảo (tám vật quý), tứ thời hay tứ quý (bốn mùa). Ngoài ra còn có tranh phong cảnh, cổ đồ… Vị trí của thơ văn và tranh chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm ở cả nội và ngoại thất của các công trình kiến trúc. Thư pháp và cách sắp xếp vô cùng phong phú với 4 loại hình là chân, thảo, triện, lệ được xếp ngang, đặt dọc. Thậm chí, hai bài thơ trong điện Long An còn được bố trí theo hình bát quái rất kỳ ảo, để mỗi bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau. Tùy vào chất liệu (trên gỗ, đồng, đá, bê tông, vôi vữa…), những nghệ nhân xưa đã khéo léo lựa chọn màu sắc phù hợp cùng cách thể hiện (sơn, thếp, chạm, khảm, tráng men, đắp gắn…) để những áng thơ văn và các bức tranh đi kèm trở nên nổi bật và phù hợp với bối cảnh.
Số lượng văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn khá phong phú với 2.997 ô thơ văn trên kiến trúc gỗ, 142 ô thơ văn trên pháp lam và 88 ô thơ văn trên chất liệu bê tông, gạch đá.
Thơ trên lăng Thiệu Trị (Ảnh: VOV)
Các giá trị nổi bật
Tính quý hiếm
Không chỉ là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế còn là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc về một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được bảo tồn.
Tính duy nhất
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những bản gốc nguyên trạng (dưới dạng dương bản) duy nhất hiện còn ở quần thể di tích Cố đô Huế, hoàn toàn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới.
Ý nghĩa quốc tế
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được sáng tác dưới dạng văn tự chữ Hán - một thứ ngôn ngữ được sử dụng chung trong các nước đồng văn (các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam) nên có tính quốc tế, tính phổ biến cao. Trước kia, các sứ thần của những nước này khi đến kinh đô Huế đều có thể dễ dàng đọc và lĩnh hội được ý nghĩa.
Với những giá trị nổi bật, ngày 19/05/2016, trong khuôn khổ hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại thành phố Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Một số bài thơ văn thơ tiêu biểu trên kiến trúc cung đình Huế
Bài thơ khắc ở gian chính giữa điện Thái Hòa với nội dung khẳng định tính độc lập, tự chủ của dân tộc
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu
(Dịch nghĩa: Nước ngàn năm văn hiến,
Thống nhất muôn dặm xa
Từ Hồng Bàng mở cõi,
Trời nam một sơn hà)
Bài thơ ở lăng Minh Mạng có nội dung ca ngợi, khuyến khích nông nghiệp
Duyên đồ cục mục hoàng vân bố
Mãn dã ngu tâm ngọc lạp doanh
Tải lộ dân nhân giai hỷ sắc
Hoạch điền dũng phụ dật ca thanh
(Dịch nghĩa: Bên đường ngút mắt mây vàng bủa
Đồng ắp niềm vui gạo ngọc căng,
Mặt người chuyển lúa tươi như hội,
Mùa được nhà nông tiếng hát tràn).
|
Thu Giang