Nhắc đến Hòn Khói, nhiều người nghĩ ngay tới những ruộng muối bao la trắng tinh và món gỏi lua nổi tiếng. Món ăn này không quá cầu kỳ mà lại vô cùng đặc biệt, là sự hòa quyện giữa hương vị của biển khơi và cây trái vườn nhà, khiến thực khách ăn hoài không ngán.
Hòn Khói cách thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) khoảng 10km về hướng Đông Bắc. Với 4 xã ven biển là Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Hải và Ninh Phước, Hòn Khói quanh năm đều có hải sản tươi ngon.
Phong cảnh tuyệt đẹp của Hòn Khói.
Trong số các đặc sản Hòn Khói, có một món ăn đặc biệt, độc đáo từ tên gọi đến cách chế biến. Món ăn này có nguyên liệu từ cá tươi và rau lá vườn nhà, được gọi với cái tên dân dã là gỏi lua. Gỏi lua được người dân tự tay chế biến và cũng là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình nơi đây.
Để làm gỏi lua, người ta thường chọn các loại cá nhỏ, không vảy, thịt trong, không quá tanh như cá đục, cá mai, nhưng ngon nhất và thông dụng nhất là cá cơm trỏng. Cá cơm trỏng có hai sọc sáng bạc lân tinh chạy song song hai bên mình, nó lớn hơn các giống cá cơm khác từ ba đến bốn lần. Toàn thân nó mang màu trắng trong như cọng giá chứ không phải là màu xám sẫm hay màu trắng lợt.
Cá cơm trỏng có kích thước khá nhỏ, thịt dai và ngon.
Mùa cá cơm trỏng từ tháng mười đến tháng hai âm lịch. Thường cá có nhiều nhất là trong những tháng ngày trời êm biển lặng. Ngư dân đánh bắt chúng không phải bằng lưới mành hay lưới rút mà bằng lưới mai. Người ta bơi thúng thả lưới từ bốn giờ sáng, ngâm chừng ba tiếng thì vớt đem lên bờ gỡ bán.
Để có món ăn ngon, người chế biến phải sử dụng cá mới đánh về, vẫn còn cử động. Cá cơm trỏng chỉ cần bỏ đầu, bóp nhẹ thân cá để xương nhô ra rồi rút đi. Cuối cùng, lấy thịt ngâm qua nước đá chanh là cá đã chín tới.
Nhiều người thưởng thức gỏi lua cũng vì mê đắm các loại rau trong món gỏi. Tùy vào khẩu vị của từng người mà các loại rau “độn” cũng khác nhau, nhưng lõi chuối hột là nguyên liệu không thể thiếu, nó tạo nên nét đặc biệt cho món ăn này.
Khi đốn hạ cây chuối hột, người ta chọn phần lõi, đem bào mỏng vừa phải và ngâm qua nước muối pha loãng để giữ trắng. Nếu lựa chọn phần khác của cây, món ăn sẽ bị dai, không ngon. Đồng thời, lõi chuối hột sẽ đảm bảo giữ độ giòn mềm, tươi sau khi chan nước lèo đang sôi vào.
Lõi cây chuối hột thái mỏng và sơ chế.
Rau ăn gỏi thường gồm xà lách, rau thơm, ngổ, tía tô… Đặc biệt, gỏi lua không ăn với bún mà ăn với bánh tráng nướng dày sản xuất tại Ninh Hòa có vị mặn mặn, ngọt ngọt.
Quan trọng nhất là khâu chế biến nước lèo, cách nấu giống như nấu lẩu với dứa, cá chua, nước me, nước dừa xiêm … Tôm chao qua dầu cho chín, cho tiếp dứa, cà chua vào xào cùng rồi đổ nước dừa, nước me, một ít nước lạnh nấu sôi, nêm muối, mắm, đường phèn, ớt cắt lát. Để tạo nên vị ngọt thanh cho nước lèo, người dân Hòn Khói thường nêm vào một chút đường phèn.
Sau khi hoàn thành, gỏi lua được sắp ra đĩa, bày lên trên mặt là rau thơm, hành phi, đậu phộng.
Khi thưởng thức, gỏi sẽ được cho vào chén, chan nước lèo đang sôi (với mục đích làm chín cá thêm lần nữa bằng nhiệt), cho rau vào chén và thêm đậu phộng, bóp vụn thêm một ít bánh tráng nướng.
Món gỏi lua thích hợp vào ngày mưa phùn, hơi se lạnh, khi gia đình họp mặt quây quần. Thưởng thức món gỏi lua là tận hưởng cùng lúc hương vị biển cả và mùi rau trồng ở vườn nhà. Món ăn có sự kết hợp giữa vị ngọt của cá cơm, vị tươi của thịt cũng sự thanh mát của các loại rau. Nhiều thực khách sau khi ăn gỏi lua một lần thì ngay lập tức bị “đánh gục”, chỉ muốn thưởng thức món ăn này mãi không thôi.
Hoàng Ngọc (Tổng hợp)