Các hoạt động của Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ II - Bình Dương năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 8 - 12/4/2017 tại thành phố mới Bình Dương, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử đến từ 21 tỉnh, thành trong cả nước.
Biểu diễn Đờn ca tài tử. Ảnh: Lê Hoàng Vũ/ thesaigontimes.vn
Festival Đờn ca tài tử: Bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở miền Nam, ra đời vào cuối thế kỷ XIX, từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương Nam. Dù hình thành muộn hơn so với nghệ thuật Tuồng, Chèo, Quan họ, Ca trù… nhưng loại hình nghệ thuật này chứa đựng đầy đủ và mang đậm các giá trị văn hoá Việt với những đặc trưng đa dạng, độc đáo; vừa mang tính chuyên nghiệp vừa đậm chất dân dã. Hơn một thế kỷ đi qua nhưng cho đến ngày nay, đờn ca tài tử vẫn có sức sống mãnh liêt trong cộng đồng.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2013.
Việc thực hành Đờn ca tài tử Nam Bộ trong cộng đồng sẽ góp phần giới thiệu, bảo tồn và phát huy di sản quý giá này trong bối cảnh hiện tại. Và đó là động lực để các Festival Đờn ca tài tử quốc gia được tổ chức những năm qua. Qua đó, Festival Đờn ca tài tử góp phần tôn vinh và quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo của của dân tộc Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với du khách trong và ngoài nước; góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử và phong trào Đờn ca tài tử Nam bộ trong đời sống hiện đại; đồng thời chứng minh sức lan tỏa của văn hóa truyền thống trong dòng chảy hội nhập với văn hóa thể giới.
Festival Đờn ca tài tử lần thứ I được tổ chức tại Bạc Liêu năm 2014. Nguồn: sinhthaiquoctecamau.vn
Sẵn sàng cho Festival Đờn ca tài tử lần thứ II năm 2017 Festival
Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ II năm 2017 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời là cơ hội để Bình Dương giới thiệu vùng đất, con người đến với du khách trong, ngoài nước; tạo mối giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế, khai thác du lịch.
Bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL. Ảnh: Lan Phạm
Theo bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL đến nay công tác chuẩn bị cho việc tổ chức liên hoan đã cơ bản hoàn tất, đảm bảo công tác tổ chức đạt được kết quả cao nhất.
Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ II năm 2017 sẽ có sự tham dự của đoàn nghệ nhân 21 tỉnh, thành phố như: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, TP.Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An.
Đặc biệt trong chương trình năm nay, điểm nhấn mới là hoạt động giao lưu giữa những nghệ nhân đờn ca tài tử đã được công nhận trong những năm qua, theo đó, sẽ có sự tôn vinh, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong việc quảng bá giá trị của nghệ thuật Đờn ca Tài tử trong cộng đồng, bà Trịnh Thị Thủy cho biết.
Theo kế hoạch, chương trình mở đầu trong đêm khai mạc có chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản đất phương Nam” diễn ra vào tối 8/4/2017, tại Quảng trường Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, xuyên suốt chương trình còn có các hoạt động như: Không gian Đờn ca tài tử Nam Bộ; không gian ẩm thực và đặc sản Nam Bộ; cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc Festival Đờn ca tài tử lần thứ 2 năm 2017; lễ tôn vinh các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ Đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ; tọa đàm khoa học với chủ đề “Đờn ca tài tử - Tài nguyên di sản phát triển du lịch”…
Bà Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, năm nay bên cạnh các nghệ nhân cao tuổi còn có sự tham gia biểu diễn của cả các nghệ nhân trẻ tuổi, Qua đó, thể hiện sự kế tục, sự trao truyền giữa những người đã có kinh nghiệm, có bề dày trong hoạt động đờn ca tài tử ở địa phương cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, hoạt động này sẽ có hiệu ứng rất tốt cho việc tuyên truyền quảng bá cũng như lan tỏa giá trị của di sản đờn ca tài tử trong cộng đồng, bà Thủy khẳng định.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bình Dương và sự tham gia nhiệt tình của đoàn nghệ nhân đờn ca tài tử các tỉnh, thành trong khu vực, Festival sẽ góp phần làm cho bức tranh văn hóa nghệ thuật của Việt Nam thêm đặc sắc, góp phần khẳng định với thế giới về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam./.
Gia Linh