Theo Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017, đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Các chương trình diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, phân luồng giao thông tránh tình trạng ùn tắc... cũng đã được lên phương án rất kỹ để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tỉnh cũng đang triển khai lắp đặt hệ thống camera tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các tuyến đường chủ chốt, khu vực trọng điểm trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Nút giao thông kết nối đường cao tốc Hà Nội-Lài Cai tại điểm lên xuống thành phố Việt trì cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tỉnh cũng đã thành lập Đội liên ngành giữ gìn trật tự trị an, quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và dịch vụ; công bố danh sách số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của đồng bào, du khách... đồng thời, tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh, đảm bảo bán hàng theo đúng giá niêm yết, không chèo kéo, ép khách.
Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2017, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tổ chức phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính và mang tính cộng đồng; phần Hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, an toàn và tiết kiệm, tạo sự hài lòng cho nhân dân và du khách thập phương về dự hội.
Ban Tổ chức quyết tâm phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu “5 không” tại Lễ hội, đó là không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém;” không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội.
Với phương châm tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, tránh ùn tắc tại khu vực Công quán và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và du khách viếng thăm mộ Tổ, các hoạt động phần Lễ đều được điều chỉnh về thời gian cho phù hợp hơn, đảm bảo kết hợp hài hòa với các hoạt động phần Hội.
Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân được tổ chức từ 6 giờ đến 7 giờ 45 phút ngày 2/4/2017 (tức ngày 6/3 âm lịch), sớm hơn 30 phút so với năm 2016; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ từ 8 giờ15 phút đến 9 giờ 30 phút ngày 2/4/2017 (tức ngày 6/3 âm lịch), sớm hơn 45 phút so với năm 2016; Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Đinh Dậu 2017 được tổ chức tại Đền Thượng vào hồi 6 giờ 30 phút ngày 6/4/2017 (tức ngày 10/3 âm lịch), sớm hơn 1 giờ so với những năm trước.
Các địa phương có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương dâng hương theo nghi lễ truyền thống cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng lúc 6 giờ30 phút ngày 10/3 âm lịch.
Không gian Hội trong Lễ hội Đền Hùng năm nay tiếp tục được trải rộng từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì, trong đó điểm nhấn là các hoạt động như Lễ hội dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu-2017 tại Quảng trường Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội-Đất Tổ Hùng Vương” ngày 1/4/2017 (tức ngày 5/3 âm lịch); Hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng trên hồ Công viên Văn Lang ngày 1/4/2017 (tức 5/3 âm lịch); Chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các điểm du lịch di sản văn hóa tại Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức), Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), Đình An Thái (xã Phượng Lâu); Trưng bày tư liệu ảnh, hiện vật về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay”…
Đặc biệt, Hội sách Đất Tổ năm 2017 diễn ra từ ngày 2/4/2017 đến ngày 6/4/2017 (tức từ ngày 6/3 đến ngày 10/3 âm lịch) là một trong những điểm nhấn của Lễ hội năm nay.
Đến với Hội Sách, bạn đọc được thưởng thức những cuốn sách mới nhất, hay nhất của các nhà xuất bản lớn có uy tín và được tham gia vào nhiều hoạt động như giới thiệu, ký tặng sách; giao lưu giữa các nhà văn hóa, khoa học, nhà văn, nhà thơ, tác giả với độc giả; quyên góp, ủng hộ sách cho các trường học, thư viện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi…
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác được tổ chức như mọi năm nhưng đều có quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và đổi mới hơn những năm trước. Các hoạt động đều được xã hội hóa với mục đích tạo điều kiện để nhân dân được hưởng thụ, đồng thời trực tiếp tham gia vào lễ hội.
Cụ thể, Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì với sự tham gia của gần 2.000 người dân của 23 xã, phường trên địa bàn. Lễ rước kiệu về Đền Hùng còn có sự tham gia của xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại các hội trại văn hóa, du khách thập phương sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng và được thực hành quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống của mỗi địa phương... Qua đó, góp phần quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc trong, ngoài tỉnh giao lưu học hỏi, cùng gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Cùng với đó, đồng bào cả nước sẽ được thưởng thức làn điệu Hát Xoan Phú Thọ do các nghệ nhân kế cận thuộc các làng Xoan gốc biểu diễn. Đây là hoạt động minh chứng sức sống trường tồn của Hát Xoan trong cộng đồng, đồng thời cũng là một trong những yếu tố tích cực nhằm đưa hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.../.
Lâm Đào An