Chiều 12/4, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên và bà Susan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã có buổi tham quan, khảo sát một số di tích tại Hà Nội như Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám và Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Cùng tham gia đoàn có đại diện Sở VHTT Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL).
Tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, đoàn đã tham quan các điểm di tích như Khuê Văn Các, Nhà Bia Tiến sĩ, Giếng Thiên Quang, nhà Tả vu, Hữu vu, điện Đại Thành, nhà Thái học, khu Tiền đường và Hậu đường… Đại diện Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã giới thiệu với đoàn về lịch sử hình thành và giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và bà Susan Vize tham quan, khảo sát tại
Văn Miếu- Quốc Tử Giám (ảnh Nam Nguyễn)
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 (tức năm Thần Vũ thứ hai đời Vua Lý Thánh Tông) để thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, đồng thời mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu với vai trò là trường học dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý trong triều đình. Năm 1253, Vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện, mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có học lực xuất sắc. Đến đời Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp cho các hoàng tử. Năm 1370, sau khi ông mất, Vua Trần Nghệ Tông đã cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.
Cho đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn còn là biểu trưng cho đạo học của Việt Nam.
Đoàn tham quan thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam (ảnh Nam Nguyễn)
Tại Hoàng thành Thăng Long, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và bà Susan Vize cùng đoàn công tác đã tham quan điểm khai quật khảo cổ mới nhất tại Hoàng thành cũng như các điểm di tích nổi bật, phòng trưng bày hiện vật khảo cổ tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy
giá trị di sản của Hà Nội (ảnh Nam Nguyễn)
Theo ông Trần Việt Anh, đặc điểm của di tích này là nhiều tầng di tích của nhiều thế kỷ chồng lấp lên nhau. Vì vậy, công tác khai quật, khảo cổ để nghiên cứu hết sức khó khăn, sao phải giữ được tầng di tích trên nhưng vẫn khai quật, nghiên cứu được các tầng di tích dưới. Trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu nước ngoài đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác nghiên cứu, khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long và Trung tâm cũng mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Văn phòng UNESCO Hà Nội trong thời gian tới.
Bà Susan Vize ghi lại cảm tưởng sau khi tham quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám (ảnh Nam Nguyễn)
Bà Susan Vize bày tỏ sự ngưỡng mộ trước kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của Việt Nam và đánh giá cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản qua hai di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long. Bà cũng bày tỏ niềm vui vì trải nghiệm cảm giác tham quan hai di tích đặc biệt này. Bà Susan Vize khẳng định, hai di tích là niềm tự hào vô cùng to lớn của người dân Hà Nội và Việt Nam.
Đoàn tham quan khảo sát tại Hoàng thành Thăng Long (ảnh Nam Nguyễn)
Tại cả hai điểm di tích, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Hà Nội, đặc biệt là trong việc khai thác, đưa di sản vào thu hút khách du lịch.
“Các di tích đều được gìn giữ, phát huy giá trị rất tốt, không chỉ đối với di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám mà với cả Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đây là dịp để chúng ta giới thiệu với UNESCO về các di sản chúng ta đã được công nhận cũng như để UNESCO thấy được việc chúng ta gìn giữ, phát huy giá trị di sản như thế nào. Từ 2010 đến nay, chúng ta có nhiều di sản được UNESCO công nhận, đây là một điều rất tốt đối với Việt Nam, cũng là một dịp chúng ta quảng bá mảnh đất, con người, hình ảnh Việt Nam với thế giới. Quan trọng nhất là di sản văn hóa của chúng ta được thế giới vinh danh, đó là niềm tự hào”- Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhận định.
Dạ Minh