Tết của người Lào sôi động trên đất Tây Nguyên
Cập nhật: 17/04/2017
Tết Bun Pi May không chỉ là dịp để người Việt Gốc Lào tại huyện Buôn Đôn hướng về cội nguồn mà còn thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Từ ngày 13-16/4 (dương lịch) hàng năm, người Việt gốc Lào tại huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) lại quây quần tổ chức Tết cổ truyền của các bộ tộc Lào - Tết Bun Pi May (hay còn gọi là lễ hội té nước). Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của các bộ tộc Lào để cầu may mắn, bình yên, hạnh phúc trong năm mới.

Năm 2017 là năm thứ 3, Tết Bun Pi May được Hội Hữu nghị Việt – Lào phối hợp với huyện Buôn Đôn tổ chức tại khu du lịch Buôn Đôn (thuộc Buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, nơi tập trung khá đông người Việt gốc Lào sinh sống).

Tết Bun Pi May diễn ra với nhiều nghi thức độc đáo mang đậm nét văn hóa Phật giáo. Mở đầu Tết Bun Pi May là lễ “Xày bạt” – “Tắc bạt” (hay còn gọi là “Dâng quà” – “Nhận quà”). Tại đây, người dân các bộ tộc Lào lần lượt dâng xôi, quà, bánh kẹo, tiền cho các nhà sư được mời về. Diễn ra trong không khí trang nghiêm, lễ “Dâng quà” – “Nhận quà” là dịp để người Việt gốc Lào cầu mong cho gia đình có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới.

Lễ dâng quà – nhận quà trong Tết Bun Pi May.

Tiếp đó, các nhà sư và những người tham dự Tết Bun Pi May tiến hành tổ chức Lễ hội hoa đăng, thả bè, xả xui, xua đi những điều không lành trong năm cũ.

Các nhà sư và những người tham dự làm lễ thả hoa đăng.

Sau Lễ hội hoa đăng, ban tổ chức và người dân các bộ tộc Lào sẽ thực hiện nghi thức thiêng liêng trong Tết Bun Pi May đó chính là Lễ tắm phật. Theo đó, mọi người cung kính vẩy nước thơm được chế từ nước, nghệ, dầu thơm và cánh hoa đoọc khun (hoa bò cạp vàng), loài hoa vàng duyên dáng nở rộ khắp nơi trên đất Lào đúng dịp Tết Bun Pi May lên các bức tượng phật. Theo phong tục của người Lào, lễ hội này mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

Lễ tắm Phật

Một trong những nghi thức vô cùng độc đáo khác của Tết Bun Pi May là Lễ buộc chỉ. Khi khách đến xông nhà, người Lào sẽ dùng những sợi chỉ trắng, xanh, đỏ… kết lại với nhau để buộc vào tay cầu cho vị khách sức khỏe dồi dào, hạnh phúc trong năm mới.

Với những thanh niên nam nữ chưa lập gia đình, chủ nhà tiến hành buộc chỉ nhằm cầu duyên cho họ được như ý muốn. Sau ít nhất 3 ngày, người được buộc chỉ mới được tháo ra khỏi cổ tay thì điều may mắn mới đến trong suốt cả năm. 

Lễ buộc chỉ để cầu hạnh phúc, may mắn trong năm mới.

Ngay sau lễ buộc chỉ là tục đắp tháp cát của các bộ tộc Lào trong Tết Bun Pi May. 

Cuối cùng của Tết Bun Pi May là lễ té nước được xen lẫn với các điệu múa Chăm pa của người Lào. Để thể hiện lòng tôn kính, người trẻ tuổi thường té nước vào người lớn tuổi để chúc cho họ được sống lâu, cầu thịnh vượng, tốt lành trong năm mới.

Lễ té nước và múa chăm diễn ra rất sôi động

Về dự lễ hội, đại diện các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn trao hoa, quà cho người Việt gốc Lào tại huyện Buôn Đôn.

Được biết, tại xã Krông Na có tới 220 khẩu người Việt gốc Lào sinh sống. Do đó, việc tổ chức Tết Bun Pi May thể hiện sự tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào, góp phần bào tồn bản sắc văn hóa của các bộ tộc Lào và làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa dân gian của Đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Tổ chức Tết Bun Pi May là dịp để người Việt gốc Lào tự hào về nguồn cội, càng gia sức phấn đấu xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn trên quê hương Việt Nam. Đồng thời, qua đó thể hiện tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào ngày càng gắn bó keo sơn.

Nguyên Bảo

phunuonline.com.vn