Cách xa trung tâm thành phố Nha Trang, bãi biển Đại Lãnh nằm yên tĩnh giữa mầu xanh mướt mát của những rặng dương với bãi cát trắng mịn và những con sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Nước biển trong xanh đến mức có thể nhìn thấy cả những đàn cá nhỏ ngũ sắc bơi lội dưới đáy cát trắng. Bãi tắm ở đây khá nông, mực nước thoai thoải có thể lội ra xa bờ, bảo đảm sự an toàn cho du khách. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh và là điểm du lịch biển nổi tiếng của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Biển Đại Lãnh, Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Đại Lãnh nằm sát ranh giới giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, cách Nha Trang về hướng bắc chừng 80 km và đi về phía nam khoảng 30 km là đến tỉnh Phú Yên. Nếu du khách đi theo hướng quốc lộ từ nam ra bắc, trước khi đến Đại Lãnh phải vượt qua đèo Cổ Mã, có tên chữ là Mã Cảnh, hình giống cổ ngựa. Đây là đoạn đèo thấp, ngắn, rộng rãi và dễ đi, một bên là biển, một bên là núi cao, còn nếu đi từ hướng bắc vào, khách du lịch phải qua đoạn đèo Cả dài 12 km, quanh co uốn lượn, lẩn khuất trong mây trắng bao phủ. Qua khỏi đèo có một làng chài thuyền bè tấp nập, nước biển trong xanh lấp lánh, ấy là Đại Lãnh, nằm riêng biệt giữa bốn bề núi non.
Từ xa xưa, Đại Lãnh đã được liệt vào những danh thắng nổi tiếng của đất nước. Theo tài liệu, năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), vua sai thợ chạm hình phong cảnh Đại Lãnh vào một trong chín chiếc lư đồng lớn (Cửu đỉnh) trang trí trước sân Thế Miếu ở kinh thành Huế. Năm Tự Đức thứ sáu (1853), Đại Lãnh có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn. Dân gian tương truyền, cách đây hơn một thế kỷ, trên con đường độc đạo bắc - nam qua Đại Lãnh rất gập ghềnh hiểm trở, nhiều thú dữ. Vì vậy, người đi lại muốn vượt qua chặng đường này phải tập trung thành từng tốp, từng đoàn đông mới dám vượt đèo. Vào năm thứ mười ba triều Thành Thái, có một người quê ở Thừa Thiên tên là Phạm Ngũ Giáo, khỏe mạnh, học rộng nhưng lận đận trong đường công danh, khoa cử. Khi đến đây, thấy phong cảnh đẹp, có núi cao, biển rộng, ông liền lưu lại vùng này để làm ăn sinh sống. Định cư tại đây, ông Giáo đã lặn lội vào mãi Tu Bông, Bình Trung, Vạn Giã gặp gỡ, kết bạn với các nho sĩ và hành nghề thuốc nam chữa bệnh giúp người nghèo trong vùng. Sau này, ông quy tụ nhiều người tha phương cầu thực khắp nơi về đây, lập nên làng Đại Lãnh đông vui, trù phú.
Hiện nay, bãi biển Đại Lãnh vẫn còn khá nguyên sơ, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề biển, đánh bắt hải sản. Cách bãi tắm khoảng chừng 500m, khi mặt trời chưa lên, những người phụ nữ đã rủ nhau ra bãi biển chờ thuyền đánh bắt cá trở về và nơi đây tấp nập cảnh buôn bán các loại hải sản. Cũng vì vậy, đến đây, ngoài nghỉ dưỡng và tắm biển, du khách còn được thưởng thức các loài hải sản tươi sống, giá luôn rẻ hơn những nơi khác.
Sau khi nghỉ dưỡng tắm biển, trên đường về nhà, cách đó chừng 8 km đi về hướng bắc, du khách có thể ghé cảng Vũng Rô, di tích cách mạng vang danh một thời với dấu tích bến cảng bí mật của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Từ đây những “con tàu không số” chở vũ khí, đạn dược từ miền bắc vào miền nam, chi viện cho chiến trường Khu 5 trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Thăm biển Đại Lãnh, viếng di tích Vũng Rô, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, đó là một hành trình du lịch biển và về nguồn mang nhiều ý nghĩa.
Lê Đức Quang