(TITC) - Ngày 16/5/2017, tại thành phố Chittagong, Bangladesh, Tổ chức Du lịch thế giới phối hợp với Bộ Hàng không dân dụng và Du lịch Bangladesh tổ chức Diễn đàn khu vực về truyền thông ứng phó với khủng hoảng. Đoàn công tác Tổng cục Du lịch do ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế dẫn đầu tham dự diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn
Diễn đàn có sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ cơ quan quản lý du lịch các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Nam Á, Tổ chức Du lịch thế giới, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không…
Khủng hoảng có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, có thể liên quan đến môi trường, kinh tế, chính trị - xã hội, y tế…, có thể do con người hoặc thiên nhiên gây ra, và có thể có tác động lâu dài kể cả khi nó đã kết thúc. Nếu không được xử lý tốt, khủng hoảng có thể kéo dài và ngày càng nặng nề, gây ra sự suy giảm nhu cầu du lịch từ các thị trường nguồn truyền thống và tiềm năng.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng cần có sự truyền thông rõ ràng, nhanh chóng và hiệu quả trong suốt quá trình xử lý. Diễn đàn nhấn mạnh, truyền thông luôn là một bộ phận cấu thành quan trọng của bất kỳ một kế hoạch xử lý khủng hoàng nào, nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, cùng ứng phó có trách nhiệm, hiệu quả và kịp thời.
Với nhận định đó, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tổ chức diễn đàn này nhằm tăng cường khả năng phối hợp truyền thông cũng như sự sẵn sàng trong việc xử lý khủng hoảng của các điểm đến. Đồng thời hỗ trợ các điểm đến xây dựng chiến lược truyền thông và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mỗi nước trong ứng phó với khủng hoảng, chỉ ra những thách thức trong giai đoạn hiện nay, những bài học rút ra từ thực tiễn.
Theo bà Sandra Carvao, Giám đốc Truyền thông (UNWTO), truyền thông ứng phó với khủng hoảng gồm 3 giai đoạn: Chuẩn bị - Kiểm soát - Hồi phục. Trong đó, bà nhấn mạnh khâu dự báo và chuẩn bị cho những tình huống khủng hoảng tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai là đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở để thiết lập kế hoạch và những quy trình xử lý, công cụ truyền thông phù hợp, tránh rơi vào tình trạng bị động, bất ngờ. Bà Sandra Carvao cũng giới thiệu về các bước xây dựng kế hoạch truyền thông, hình thành đội ngũ truyền thông xử lý khủng hoảng, xây dựng các thủ tục quy trình và phương thức thực hiện trong và sau khủng hoảng.
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn
Diễn đàn đã nghe ý kiến của các diễn giả đến từ khu vực công-tư của Nhật Bản, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh và các chuyên gia quốc tế, chuyên gia UNWTO chia sẻ về kinh nghiệm truyền thông ứng phó với khủng hoảng. Trong đó, các diễn giả nhất trí cần có cách tiếp cận tích cực trong xử lý khủng hoảng cùng với sự trách nhiệm và chính xác trong truyền thông.
Với chủ đề thiết thực về truyền thông ứng phó với khủng hoảng trong lĩnh vực du lịch, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các đại biểu tham dự. Nhiều vấn đề, câu hỏi đã được đặt ra với các diễn giả, ban tổ chức để tìm hiểu thêm thông tin, chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm xử lý trong thực tiễn, tìm hiểu những chương trình hỗ trợ của UNWTO đối với các nước thành viên trong lĩnh vực này…
Truyền Phương (từ TP.Chittagong, Bangladesh)