Festival Huế 2018 tiếp tục tổ chức với quy mô quốc tế
Cập nhật: 18/05/2017
Festival Huế lần thứ X - 2018 tiếp tục được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hóa khác nhau trên thế giới.

Festival Huế 2018 sẽ tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thống nhất nội dung tổ chức Festival Huế lần thứ X - 2018. Theo đó, Festival Huế lần thứ X - 2018 sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ 27/4-2/5/2018 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế, 1 điểm đến, 5 di sản".

Festival Huế 2018 tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế; đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng chương trình Festival tinh gọn; phát huy nội lực, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn làm nòng cốt; đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động lễ hội.

Với tinh thần ấn tượng, an toàn, tiết kiệm, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Festival theo hướng tinh gọn, có chọn lọc, ưu tiên về nội dung và chất lượng nghệ thuật đặc sắc, phù hợp với chủ đề đã nêu ra. Các chương trình nghệ thuật và lễ hội tại Festival có nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước, lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa", liên hoan ẩm thực quốc tế, chương trình nghệ thuật của vùng Nouvelle-Aquitaine (Pháp)…

Festival Huế lần thứ X - 2018 cũng sẽ có các hoạt động khác như biểu diễn khinh khí cầu, thể dục, thể thao biển, một số trưng bày, triển lãm mỹ thuật, lễ hội "Hương xưa làng cổ", lễ hội "Chợ quê ngày hội"; các lễ hội "Thuận An biển gọi”, "Sóng nước Tam Giang", "Lăng Cô huyền thoại Biển"; lễ hội đua thuyền truyền thống, lễ hội thả diều…

Festival Huế lần thứ X - 2018 sẽ gắn với chủ đề: 1 điểm đến 5 di sản. Năm 2016, Thừa Thiên-Huế có thêm Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là Di sản ký ức thế giới. Đây là di sản thứ 5 của Huế được công nhận trong vòng hơn 20 năm qua. Trước đó các di sản: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Được biết, để khai thác tốt lợi thế trên, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chủ động quảng bá thương hiệu "Huế - 1 điểm đến 5 di sản" để du lịch Huế thực sự mạnh với "di sản trong di sản", trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện nhiều hoạt động thu hút du khách như các chương trình "lễ đổi gác", hoặc cảnh "đám cưới trong Hoàng cung" và các trò chơi "Xăm hường" hằng ngày để thu hút khách tham quan. Đặc biệt, Nhà hát Duyệt Thị Đường, vốn là nhà hát trong hoàng cung xưa nay được khôi phục lại và tổ chức 4 suất diễn/ngày phục vụ khách tham quan. Từ năm 2003 đến nay, Nhà hát Duyệt Thị Đường có trên 40 bài nhạc lễ, nhiều tiết mục múa cung đình đặc sắc được sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, đưa Nhã nhạc Huế từ chốn cung đình đến công chúng và du khách.

Linh Nhi

Chinhphu.vn