Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số chung sống lâu đời, Sa Pa (Lào Cai) tập trung phát triển du lịch cộng đồng (homestay), hướng về người dân, để vừa giảm quá tải cho khu vực đô thị chật hẹp, vừa xóa nghèo, tạo thế phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái địa phương.
Du khách tham quan bản Cát Cát ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai).
Hướng về bản làng và cộng đồng
Sáng mùa hè nhưng tiết trời Sa Pa mát lạnh, gió nhẹ như mùa thu quyến rũ, chúng tôi ngồi quây quanh bàn trà sâm rừng Hoàng Liên vừa pha, trong ngôi nhà sàn theo kiểu người Tày của ông Hoàng Văn Mục - người khởi xướng làm du lịch “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động) ở xã Tả Van. Câu chuyện rôm rả, xoay quanh việc làm sao để nâng cao hơn chất lượng dịch vụ du lịch trong từng gia đình người Giáy ở đây; từ giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đến vệ sinh nhà cửa, bản làng sạch sẽ; rồi làm thổ cẩm bằng tay, nấu món ăn dân tộc từ nguyên liệu vườn nhà để thu hút và giữ chân du khách, nhất là người nước ngoài đến lưu trú. Tả Van theo tiếng địa phương là “vòng cung lớn”. Quả đúng là thế, những ngôi nhà người Giáy “treo” trên sườn núi hình cánh cung, ôm trọn dòng suối Mường Hoa trong xanh, uốn lượn quanh những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ. Du lịch cộng đồng là loại hình dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương; họ sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân, để khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo, vì thế nó có sức hấp dẫn riêng.
Đến Tả Van những ngày hè, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh trẻ em người nước ngoài nô đùa với trẻ em người dân tộc thiểu số rất tự nhiên, vui vẻ và thân thiện như thể sống gần nhau từ nhỏ. Đây đó, từng tốp du khách nước ngoài tham quan khu sản xuất nông nghiệp ruộng bậc thang, thắng cảnh suối Mường Hoa, hoặc điểm làm nghề thủ công truyền thống dệt sợi lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong trên thổ cẩm…, theo lời giới thiệu của các “hướng dẫn viên” người địa phương. Tại đây, họ được trải nghiệm cảm giác làm “công dân thực thụ” của vùng đất này. Chị Pô-lin In-lơ-dăm, một du khách người Pháp chia sẻ: “Gia đình chúng tôi chọn tour du lịch “ba cùng” để có thể nghỉ tại nhà dân trong bản làng, tìm hiểu văn hóa cũng như tập quán vùng miền của họ”.
Chúng tôi ghé thăm điểm lưu trú du lịch homestay của gia đình bà Lý Thị Lỳ, thôn Tả Van Giáy 2, bà Lỳ tâm sự: “Làm du lịch homestay theo đúng nghĩa không đơn giản. Với loại hình du lịch này, dịch vụ, phòng nghỉ, ăn uống không phải là vấn đề quá lớn, bởi du khách chọn “homestay” tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu; quan trọng nhất là làm sao tạo cho họ cảm giác thoải mái, thấy yêu thích cuộc sống và nét văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi họ đến”.
Chủ tịch UBND xã Tả Van Phan Mạnh Hoàng cho biết, cụm homestay Tả Van Giáy 1 là một trong năm cụm homestay của Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN. Hiện ở địa phương có khoảng 140 hộ dân sinh sống, thì có hơn 40 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng (homestay), mỗi nhà có sức chứa từ 10 đến 20 người, trung bình vào mùa cao điểm, mỗi ngày phục vụ từ 200 đến 300 khách. Giá lưu trú một đêm tại Tả Van khá rẻ, dao động từ 100 đến 150 nghìn đồng, tùy hạng phòng. Tuy nhiên, cũng có những phòng lưu trú cao cấp do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, có giá lên tới hơn một triệu đồng/đêm. Ngoài lưu trú qua đêm, đồng bào Giáy ở Tả Van còn bảo đảm cho du khách thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực dân tộc và các tiết mục văn nghệ như múa quạt, hát ống, hát dân ca…
Nắm bắt nhu cầu của du khách và phát huy tiềm năng, thế mạnh khí hậu, cảnh quan, bản sắc văn hóa đa sắc màu các dân tộc, huyện Sa Pa tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, hướng về bản làng và người dân, cộng đồng dân cư. Tính đến nay, toàn huyện Sa Pa có 154 cơ sở homestay, tập trung ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn…, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị sản phẩm
Phát triển du lịch “ba cùng” là hướng đi đúng của Sa Pa, tuy nhiên làm thế nào để loại hình du lịch này thật sự bền vững, có sức hấp dẫn, thu hút được du khách, là bài toán không đơn giản. Trước thực tế đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai và chính quyền huyện Sa Pa đã xác định phương châm “biến di sản thành tài sản”, và mỗi cộng đồng, mỗi làng bản phải có một sản phẩm mang tính đặc trưng, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Sa Pa tập trung bảo tồn các lễ hội truyền thống, như lễ hội Xuống đồng (Gầu tào, Roóng poọc), Múa xòe, Múa chuông, Múa sinh tiền, Múa quạt, Lễ cấp sắc… Sau khi bảo tồn, phục dựng nguyên bản, Sa Pa đưa các lễ hội vào hoạt động du lịch ở thị trấn, xã và các bản làng; tập trung thành “chuỗi” vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, dịp nghỉ lễ trong năm, nhằm thu hút, phục vụ du khách. Ở các xã đều thành lập đội văn nghệ dân tộc, sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách ngay tại các điểm homestay. Có thể kể đến các chương trình như: Xuống đồng Tả Van, xòe Thanh Phú, cấp sắc Thanh Kim, lễ hội trên mây, một ngày làm nông dân Tả Phìn… Nhờ vậy, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, Sa Pa tăng cường tôn tạo, bảo vệ bãi đá cổ Mường Hoa đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và hệ thống ruộng bậc thang ở địa phương, trọng điểm là các xã Trung Chải, Tả Van, Hầu Thào, Sa Sả Hồ đã được công nhận di tích danh thắng quốc gia. Đây là những “điểm nhấn”, tạo cảnh quan môi trường và bản sắc văn hóa, thu hút du khách đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đó cũng chính là “sức sống” bền vững của du lịch “ba cùng” ở Sa Pa hiện nay.
Đến Sa Pa, du khách có thể lựa chọn nhiều tuyến du lịch cộng đồng như: Thị trấn Sa Pa - Ý Linh Hồ - Lao Chải - Tả Van; Lao Chải - Tả Van - Bản Hồ - Thanh Phú - Nậm Sài; thị trấn Sa Pa - Tả Phìn - Móng Sến - Tắc Cô…, trong đó, có nhiều điểm du lịch được khách nước ngoài đặc biệt quan tâm, như: bãi đá cổ (thuộc các xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van), điểm du lịch thôn Sả Séng (xã Tả Phìn ), điểm du lịch Cát Cát (xã San Sả Hồ )… Đó là kết quả của chủ trương “mỗi cộng đồng, mỗi làng bản có một sản phẩm mang tính đặc trưng”, mà Sa Pa kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Thông qua các tuyến du lịch bản làng, mức độ tham gia và hưởng lợi của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa tăng lên, xuất hiện hàng loạt các nghề mới, như cho thuê nghỉ trọ, hướng dẫn, biểu diễn văn nghệ, bán hàng lưu niệm (thổ cẩm, đồ trang sức), dẫn khách leo núi,… Như làng Cát Cát có 360 người thì có tới 112 người tham gia hoạt động du lịch (chiếm tỷ lệ 31,2% dân số); làng Lý Lao Chải có 516 người thì có 102 người của 22 hộ gia đình (trong tổng số 28 hộ) tham gia các hoạt động du lịch... Trước kia, các hộ kinh doanh lưu trú homestay chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú đơn thuần, nhưng hiện nay, nhiều gia đình mở mang công việc kinh doanh bằng việc cung cấp thêm các dịch vụ bổ sung, như: bán đồ lưu niệm, bán đồ uống (bia, nước ngọt), bán hàng ăn, bánh kẹo, thuốc bắc...; đặc biệt, dân tộc Dao Đỏ có dịch vụ tắm lá thuốc núi rừng Hoàng Liên, được du khách ưa thích.
Để tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, Sa Pa tăng cường liên kết vùng, thông qua các tuyến du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với người dân và chính quyền địa phương ở từng bản làng, cụm dân cư, từng xã để đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, theo mô hình “liên kết 1-1”. Theo đó, mỗi địa phương làm du lịch cộng đồng sẽ đồng hành với một doanh nghiệp cùng chịu trách nhiệm kêu gọi và thu hút du khách, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa, cùng quản lý hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp. Thực tế ở Công ty cổ phần du lịch Cát Cát là minh chứng sống động. Tại khu vực thung lũng Cát Cát, thuộc xã San Sả Hồ, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng vào từng nhà của hàng chục hộ đồng bào Mông, để họ giữ nếp sinh hoạt bản địa, lề lối canh tác nông nghiệp truyền thống, phát triển nghề thủ công, giữ nét đẹp trao đổi sản phẩm canh tác, chăn nuôi… tại các chợ phiên. Những ngôi nhà, góc bếp, mảnh vườn, ruộng nương, vật dụng sinh hoạt, nghề tước lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm được giữ nguyên. Công ty còn trả tiền trực tiếp cho hơn chục gia đình người Mông (mỗi tháng ba triệu đồng) trên dọc tuyến đường đi bộ xuyên làng, để họ giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn các vật dụng truyền thống, bảo tồn nghề se lanh dệt vải và đồng ý cho du khách thăm nhà tùy thích, không chèo kéo bán hàng hay thu tiền phí của khách. “Điều quan trọng là phải dựa vào dân, để giữ nguyên cảnh quan, lối sống, nếp sinh hoạt của người bản địa, như vậy mới phát triển du lịch cộng đồng có sức sống nội tại, lâu bền”- Giám đốc Công ty du lịch Cát Cát Nguyễn Phương Lân khẳng định.
Sa Pa đang đón đầu cơ hội rất tốt để trở thành một trọng điểm du lịch tầm quốc gia, bởi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giao thông thuận lợi và quần thể công trình cáp treo Phan Xi Păng trên đỉnh “nóc nhà Đông Dương” hấp dẫn du khách. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Mạnh Hảo, du khách trong và ngoài nước có xu hướng đổ mạnh về Sa Pa, sáu tháng đầu năm 2017 đã đạt hơn một triệu lượt người, gấp hai lần so với cùng kỳ, đem lại doanh thu gần hai nghìn tỷ đồng. Đây là cơ hội vàng để du lịch “ba cùng” ở Sa Pa phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Quốc Hồng