Khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng U Minh Thượng
Cập nhật: 13/06/2017
Vườn Quốc gia U Minh Thượng (thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) là một trong những điểm tham quan chính của du khách mỗi khi đặt chân đến Kiên Giang, cùng với đảo Phú Quốc, thị xã biên giới Hà Tiên và tua du lịch tới các đảo trên vùng biển Tây Nam. Với tiềm năng lớn, điểm đến này đang chờ đợi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các sản phẩm mang tính đặc trưng để du lịch nơi đây thật sự trở nên chuyên nghiệp.

Khách du lịch thăm Vườn Quốc gia U Minh Thượng bằng vỏ lãi.

Con đường từ TP Rạch Giá về huyện U Minh Thượng đã liền mạch, chỉ hơn một giờ đồng hồ là đến nơi. Cầu Cái Bé, cầu Cái Lớn nối đôi bờ của dòng sông Cái, hai công trình trong mơ của người dân miệt U Minh Thượng đã thành hiện thực. Ði dọc quốc lộ 63 thảm bê-tông rộng rãi, song song con kênh xáng Xẻo Rô, phía tây giáp biển giờ không thua kém bất cứ miệt biển nào với những mô hình kinh tế phát triển mạnh như: tôm-lúa, nuôi cua, tôm càng xanh, sò huyết trên đất bãi bồi dưới tán rừng phòng hộ, đem lại cơm no, áo ấm, sự giàu có cho người nông dân. Phía đông giáp với dòng Cái Lớn đất đai phù sa màu mỡ, phát triển hai vụ lúa, trồng hoa màu, bảo đảm an ninh lương thực cho toàn vùng.

Tên đất, tên làng của vùng đất này rất lạ lẫm và đời thường cũng là một nét văn hóa bản địa cho những du khách tìm hiểu và suy ngẫm mỗi khi đặt chân đến. Những cái tên như: Cái Lớn, Cái Bé, Cái Nước, Xẻo Rô, Xẻo Ngát, Rọc Lá, Rọc Năng, Kinh Dân Quân, Kinh Chống Mỹ, Mương Ðào, Lung Sen…, đặc biệt là một loạt địa danh mang tên từ Thứ Nhứt, Thứ Hai, Thứ Ba đến Thứ Mười Một, đã vậy còn Thứ Sáu Rưỡi, Thứ Bảy Rưỡi, Thứ Chín Rưỡi… thì hầu hết khách phương xa khi thoáng qua đều đặt dấu hỏi. Khi xưa người Việt đi khai hoang mở vùng đất mới, đến khi định canh, định cư lập ấp, lập làng, để dễ dàng trong sinh hoạt và lao động nuôi trồng thường chọn những nơi có đường nước để dựng lều, cất nhà và phân biệt nơi này, nơi khác, từ đó những tên gọi lần lượt ra đời. Những chữ chỉ đường nước, cộng với nét đặc trưng cảnh quan, ngành nghề, sự kiện đáng nhớ, hay theo tên người đi mở đất, thế là thành tên gọi.

Ðến ngã tư Công Sự, xe rẽ phải qua cây cầu vượt đi thêm vài cây số trên con đường nhựa thẳng vào rừng là đến cổng Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Con đường vào rừng cũng rất đặc biệt, dọc hai bên đường là hàng cây ô môi, một loại cây đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Mùa này, ô môi đang rụng lá, chuẩn bị trổ bông (hoa). Mặc dù tên gọi dân dã, nhưng mầu sắc của bông ô môi không thua bất cứ loài hoa nào. Bông ô môi mọc thành từng chùm, mầu hồng phớt, nhìn từ xa như mầu hoa đào, rất đẹp. Bông ô môi được nhiều người ví như thiếu nữ miệt vườn với vẻ đẹp thẹn thùng, e ấp. Những bông lúc còn nụ cánh cúp lại, lúc nở thì bung xòe đẹp ngất ngây. Ðẹp hơn nữa với hình ảnh những ngày nắng, ong, bướm đến vờn quanh, đậu lên những cánh hoa mầu hồng mơ màng, phơn phớt ấy.

Ðến cổng Vườn Quốc gia, chúng tôi được anh Ngô Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Bảo vệ môi trường của Vườn đón tiếp, dẫn đường vào khu vực Hồ Hoa Mai, nơi đặt trụ sở làm việc của Vườn và là trung tâm phân phối cho các dịch vụ du lịch. Trên đường đi, nhiều bầy khỉ ra tận lộ đùa giỡn. Anh Ngô Thanh Vũ cho biết, những năm gần đây, khách du lịch đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng tăng đều. Năm 2016, khách đến tham quan tăng cao là áp lực, nhưng cũng là động lực để cho bộ phận khai thác và phát triển du lịch của Vườn ngày một hoàn thiện để sớm hoàn thành mục tiêu chuyên nghiệp trong hướng phát triển dựa vào làm kinh tế du lịch của Vườn. Cuộc sống, thu nhập của cán bộ, công nhân viên và người lao động từ đó được nâng lên đáng kể. Hiện, Vườn có các sản phẩm du lịch như đi xuồng máy vào tham quan máng dơi, sân chim, tham quan rừng nguyên sinh, rừng tái sinh sau vụ cháy năm 2002, thuê xuồng bơi vào rừng câu cá, thưởng thức các món chế biến từ cá đồng, rau đồng … "Những năm qua, Vườn thực hiện xã hội hóa dịch vụ xuồng máy đưa rước khách vào rừng tham quan. Những hộ dân nghèo sống quanh vùng đệm có nhu cầu được Vườn tuyển chọn đem phương tiện vào đưa khách tham quan, chia thu nhập theo tỷ lệ 68% cho người dân và 32% cho Vườn. Các hộ này thu nhập cao hơn nhiều so làm rẫy làm vườn" - anh Ngô Thanh Vũ nói.

Ở Hồ Hoa Mai, phong cảnh hữu tình. Trời cao xanh trong, rừng xa tít một mầu xanh, trên mặt nước các con kênh cũng dày đặc mầu xanh của bèo, lục bình và nhiều loài thực vật khác. Một cây cầu bằng ván bắc ngang con kênh, một vài căn nhà dựng theo kiểu lán trại trên mặt hồ, mái lợp bằng lá dừa nước, một loài cây rất hữu dụng, mọc đại trà ven sông, rạch. Mầu trắng, hương thoang thoảng của bông tràm rung rinh quyện theo làn gió. Tiếng chim ríu rít bên tai, những cánh chim vút lên cao ngay trước tầm mắt. Cứ cách khoảng 10 - 15 m có một khách đứng, ngồi câu cá, chốc chốc cá lại cắn câu với các loài cá rô, sặc rằn, thác lác…

Anh Phan Thanh Nhã, Phó Giám đốc Trung tâm được giao "nhiệm vụ" đưa chúng tôi vào rừng tham quan bằng chiếc vỏ lãi com-pô-dít do anh Trần Văn Y làm tài công. Anh Nhã năm nay đã ngấp nghé tuổi 50, là người địa phương, có hơn 30 năm công tác tại rừng, đã làm qua nhiều công việc khác nhau. Anh Nhã là người vui tính, hoạt bát, am hiểu nhiều về các loài động, thực vật ở rừng. Trên đường, hòa trong tiếng nổ chát chúa của chiếc máy mã lực cao, là lời thuyết trình của anh Nhã khi đi ngang khu vực cây rừng bị thoái hóa, khu rừng cháy chưa phục hồi, hay bắt gặp những loài chim lớn, chim quý hiếm. Chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến thú vị khác và càng ngạc nhiên thích thú khi chiếc vỏ lãi đưa lại gần sân chim. Cảm giác nhỏ bé trước một không gian rộng lớn xâm chiếm lấy tôi. Chung quanh là rừng lau sậy ngút ngàn, rừng tràm thẳng tắp, những tiếng vỗ cánh bay vào không trung của những chú chim giật mình vì tiếng máy, lắng nhẹ sẽ nghe tiếng gió rì rào qua những tán cây, tiếng vo ve của những đàn ong rừng đi tìm mật, tất cả sống động khác lạ với vẻ u tịch khi nhìn rừng từ phía ngoài.

Chiếc vỏ dừng lại, chúng tôi tham quan khu vực máng chim, bốn chiếc vỏ lãi với hàng chục khách đã đến đây trước, trong số này có nhiều người nước ngoài. Tại đây có một lán trại được dựng lên để khách nghỉ ngơi, chuyện trò, thăm thú. Cách đó khoảng trăm mét, một chòi gỗ cao hàng chục mét, dựng theo chòi canh lửa ở rừng nhưng lớn và chắc chắn với hàng trăm bậc thang, sức chịu mỗi lượt từ bốn đến năm người cùng leo lên nhìn, ngắm một khu vực rộng lớn với rất nhiều loài chim. Anh Nhã chỉ tay: "Kìa ốc cao, cổ rắn, chằng bè, già đẫy… Nhìn cách bay lượn và tiếng kêu của chúng, tôi có thể kể tên và nói sự khác nhau của hàng chục loài chim". Ðứng trên cao chỉ xuống hai vị khách nước ngoài, anh Nhã kể: "Cách đây khá lâu có hai vị khách nước ngoài đến rừng, nằng nặc xin vào rừng. Khi đó, tỉnh chưa có chủ trương cho du khách vào rừng tham quan, nhất là đối với người nước ngoài. Họ cứ năn nỉ tôi, nói bập bẹ một số câu bằng tiếng Việt như: "Tôi vượt mấy nghìn cây số sang đây, cho chúng tôi vào"; "Anh Nhã cho chúng tôi vào". Thấy họ, tôi rất thông cảm, nhưng tôi đâu dám làm khác hơn". Anh Nhã cười rồi nói tiếp: "Giờ đây, chúng tôi mong muốn có thật nhiều người nước ngoài đến với Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Bởi rừng U Minh Thượng giờ không của riêng ai mà là Vườn di sản Asian và khu Ramsar của thế giới".

Bữa cơm ở Hồ Hoa Mai có cá lóc nướng trui nhúng mẻ, cá trê vàng chiên chấm nước mắm gừng, cá rô mề kho trái giác, nhúng đọt choại, ăn kèm dưa bồn bồn… Anh Ngô Thanh Vũ cho biết, Vườn đang nghiên cứu để đưa thêm một số sản phẩm du lịch đặc trưng của rừng vào khai thác như: đưa khách vào rừng dùng một số ngư cụ truyền thống như lờ, lọp, trúm, lưới, nôm… để bắt cá, bắt lươn; chống xuồng đi hái bồn bồn, ngó năng, lục bình, đọt choại, các loại rau rừng… tự tay nấu nướng phục vụ bữa ăn. Ðó là những sản phẩm cụ thể có thể đưa vào thực hiện được ngay, nhưng để phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp và đạt mục tiêu khai thác hết tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhân văn vốn có, Vườn Quốc gia U Minh Thượng cần nghiên cứu xây dựng thêm nhiều loại hình du lịch gắn với sinh thái: Du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch cắm trại qua đêm, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, du lịch mua sắm các đặc sản từ rừng như: khô cá đồng, mật ong. Ðặc biệt, có thể khai thác loại hình du lịch sinh thái chuyên đề "ngắm chim, ngắm bướm", "ngắm hoa, ngắm cỏ" nhắm vào các đối tượng chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh…

Ðó là đề xuất của nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về hướng phát triển du lịch cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Chúng tôi rất muốn ở lại với Vườn lâu hơn nữa, nhưng các dịch vụ tại Vườn và lân cận vẫn chưa đáp ứng được khâu lưu trú. Có lẽ đó cũng là điều khiến du lịch U Minh Thượng chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng và là mong muốn của nhiều du khách cũng như những người yêu mến khu vườn di sản độc đáo của Việt Nam và châu lục.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng có diện tích hơn 21.000 ha, trong đó có hơn 8.000 ha vùng lõi (rừng đặc dụng). Vườn hiện là nơi sinh trưởng của 254 loài thực vật có mạch bậc cao và sự hiện diện của 33 loài thú, 188 loài chim, 29 loài bò sát lưỡng cư, 60 loài cá, 204 loài côn trùng và nhiều loài động vật thủy sinh phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái. Trong các loài động, thực vật ở Vườn có 72 loài được xác định là hiếm, ghi nhận trong Sách Ðỏ Việt Nam.

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Báo Nhân dân