Những điều ít biết về cây cầu cổ hiếm có bậc nhất Việt Nam
Cập nhật: 15/06/2017
Nếu như ở Hội An (Quảng Nam) cái tên Chùa Cầu đã quá quen thuộc với du khách gần xa thì Cầu ngói Thanh Toàn ở tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng nổi tiếng không kém với lối kiến trúc có giá trị nghệ thuật vào loại bậc nhất trong các loại cầu cổ ở nước ta.

Nằm ở làng Thủy Thanh Chánh thuộc xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên – Huế, Cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu cổ có nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và văn hóa. Trải qua bao thăng trầm của thời gian đến nay cây cầu vẫn giữ được nét cổ kính và có một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Cây cầu cổ bên ngôi làng cổ

Làng Thủy Thanh Chánh vốn là một phần của làng Thanh Toàn được lập ra vào khoảng thế kỷ XVI bởi những người có gốc Thanh Hóa. Theo ghi chép xưa để lại, vào khoảng thời gian nói trên có 12 vị tộc trưởng đầu tiên của làng theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đã khai phá ra làng. Đến thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847), làng Thanh Toàn đổi tên thành Thủy Thanh với hai địa phận Thủy Thanh Chánh và Thủy Thanh Thượng và giữ nguyên cho đến tận bây giờ.

Lịch sử của cây Cầu ngói Thanh Toàn gắn liền với tên tuổi của bà Trần Thị Đạo, là một người con của làng Thủy Thanh.

Lịch sử của cây Cầu ngói Thanh Toàn gắn liền với tên tuổi của bà Trần Thị Đạo cũng là một người con của làng Thủy Thanh. Theo các vị cao niên làng Thủy Thanh kể lại, bà Trần Thị Đạo là cháu sáu đời của một trong 12 vị khai canh làng Thủy Thanh.

Thuở còn là thiếu nữ, trong một lần gánh gạo lên kinh nộp thuế cho triều đình, vẻ đẹp mặn mà của người con gái làng Thanh Toàn khiến một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông say lòng rồi cưới về làm vợ. Suốt thời gian ở chung, bà và chồng không có con nhưng vẫn thủ tiết, sống trọn đạo làm vợ và là người phụ nữ đức hạnh.

Theo chồng xa quê nhiều năm, trong một lần về thăm chứng kiến cảnh người dân địa phương đi làm đồng đều phải chèo thuyền qua một con sông mới đến được nơi làm. Mùa hè thì nắng nôi vất vả, mùa đông rét mướt cực nhọc. Xuất thân cũng là dân quê lam lũ, bà hết sức đồng cảm.

Thương người dân quê, năm 1776 bà dùng tiền của mình để xây cho dân làng một chiếc cầu gỗ có mái che với tâm nguyện giúp mọi người đi lại dễ dàng và có nơi nghỉ ngơi những lúc lao động mệt nhọc.

Từ khi được dựng nên, cây cầu thực sự mang lại nhiều ý nghĩa. Không chỉ giúp việc đi lại thuận lợi hơn, đây còn là “đứa con tinh thần”, là điểm đến vui chơi của người dân trong làng và du khách gần xa. Những đêm trăng thanh gió mát, trai gái trong làng có nơi ngắm trăng, ca hát, hẹn hò giao duyên.

Trước tấm lòng đức độ của bà, Vua Lê Hiển Tông đã ban sắc ngợi khen và miễn nhiều loại sưu thuế cho dân làng. Trong tờ sắc có đoạn viết: "Bà Trần Thị Ðạo sinh quán tại làng Thanh Toàn là người có đức hạnh. Cuộc sống của bà làm cho người người ngưỡng mộ mọi mặt. Bà là người đáng khen ngợi hơn ai hết. Bà đã làm cho làng được ban những ân huệ mà người ta sẽ ghi nhớ mãi..."

Năm 1925, vua Khải Định cũng ban sắc phong trần cho bà là “Dực Bảo Trung Hưng Linh phò” và lệnh cho dân làng lập bàn thờ ngay trên cầu. Nhớ công ơn của bà, dân làng Thủy Thanh tôn sùng, thờ phụng.

Nhiều giá trị về kiến trúc, văn hóa

Ngày nay, Cầu ngói Thanh Toàn vẫn nằm trong không gian mộc mạc, đậm chất làng quê bên đồng lúa xanh, con sông uốn lượn. Cạnh cây cầu là khu chợ quê với những món hàng đậm đà hương vị dân dã, một hình ảnh đã không còn xuất hiện nhiều ở làng quê hiện nay. Cũng vì lý do này mà cứ mỗi dịp tổ chức lễ hội Festival tại Huế, đây được chọn làm nơi tổ chức làm hội chợ quê.

Với lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều”, Cầu ngói Thanh Toàn được xem là một công trình ở làng quê đẹp nhất ở xứ Huế.

Với lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), Cầu ngói Thanh Toàn được xem là một công trình ở làng quê đẹp nhất ở xứ Huế. Cầu dài 17,8m, rộng 5,3m chia làm 7 gian với cách bố trí giống như 7 gian trong một ngôi nhà lớn.

Gian giữa của cầu là nơi đặt bàn thờ bà Trần Thị Đạo, người có công xây dựng cầu. 6 gian còn lại có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che lợp ngói lưu ly, một loại ngói rất quý của ngày xưa. Cầu nằm trên hệ thống trụ đỡ có 3 hàng, mỗi hàng 6 cột. Trên cầu các hệ thống trụ cầu có dầm gỗ bắc ngang để dựng cột làm nhà. Tất cả đều được làm một loại gỗ tốt nên trải qua hơn 200 năm, dù ngâm mình dưới nước vẫn còn vững chắc và nguyên vẹn.

Ngoài phần sườn cầu làm nơi đặt bàn thờ bị bịt kín thì tất cả đều để cho thông thoáng. Bên ngoài có lan can chấn song để người dân ngồi không bị ngã. Mái cây cầu được chạm khắc hình tượng tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Phía giữa là đôi phượng chầu mặt trời. Ở hai lối vào của cây cầu có đôi hàng câu đối chữ Hán, tuy nhiên theo thời gian đã bị phai mờ đi ít nhiều.

Cầu ngói Thanh Toàn qua nhiều lần trùng tu, kích thước và vật liệu xây cầu có thay đổi chút ít song kiểu kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Với không gian gần gũi, cầu xây nên đúng với tâm nguyện của chủ nhân khi muốn người dân có được chỗ đi lại, nghỉ ngơi sau những giây phút lao động vất vả. Năm 1990 Cầu ngói Thanh Toàn đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Miếu thờ bà Trần Thị Đạo tại nhà thờ họ Trần ở làng Thủy Thanh Chánh.

Nằm gần Cầu ngói Thanh Toàn hiện nay còn có nhà trưng bày của xã Thủy Thanh. Tại đây vẫn còn lưu giữ hàng trăm hiện vật là các nông cụ tái hiện lại hoạt động của nền văn minh lúa nước, góp phần làm đẹp và phong phú thêm những giá trị trong quần thể di tích cầu ngói Thanh Toàn. Đây trở thành điểm đến tuyệt vời của du khách trong và ngoài nước.

Hàng năm, cứ đến dịp rằm tháng 8 âm lịch người dân làng Thủy Thanh lại tổ chức ngày giỗ cho bà Trần Thị Đạo. “Vào ngày này, dân làng rước bà ra cầu rồi tiến hành làm lễ. Ban ngày thì tổ chức đua ghe, ban đêm dưới ánh trăng mọi người cùng nhau lên cầu ca hát, múa lân cho bà xem. Đó thực sự là ngày hội lớn của làng”, bà Nguyễn Thị Kình (58 tuổi, một người dân gắn bó lâu năm với cầu ngói Thanh Toàn) cho biết.

Cũng vì yêu mến cây cầu ngói Thanh Toàn và nhớ ơn người xây cầu mà người dân Thủy Thanh cũng dành cho địa danh này những tình cảm đặc biệt. Nhiều bài thơ về cầu ngói Thanh Toàn được chính người dân cảm tác bằng tấm lòng của mình chỉ để tặng cho du khách như:

“Đường về cầu ngói quê tôi/ Hôm nay trời nắng, mồ hôi chảy dài/ Chiếc cầu có một không hai/ Người nghiêng, kẻ ngả, nằm dài thẳng lưng/ Xa đường bước đến nghỉ chân/ Nhìn qua, ngó lại bâng khuâng trong lòng”.

Thế Trung - Đức Hoàng

Toquoc.vn