Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương – Thành viên Ban soạn thảo Luật Du lịch 2017 cho biết, nhiều tư tưởng, chủ trương trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã được chuyển tải và được pháp luật hóa trong Luật Du lịch năm 2017.
Luật Du lịch vừa chính thức được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao 89,21%. Trước thông tin này, hầu hết những người làm du lịch đều tỏ ra phấn khởi, vui mừng, đồng thời kỳ vọng Luật Du lịch sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương – thành viên Ban soạn thảo Luật Du lịch 2017 đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc xung quanh những điểm mới của Luật Du lịch năm 2017 so với Luật Du lịch năm 2005, và kế hoạch triển khai, đưa Luật vào cuộc sống trong thời gian tới.
- Thưa bà, Luật Du lịch đã chính thức được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Vậy xin bà cho biết, Luật Du lịch vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với ngành du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
+ Ta đều biết Luật Du lịch lần trước được ban hành từ năm 2005, từ đó đến nay có rất nhiều thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội; một số nội dung quy định trong Luật Du lịch 2005 không khả thi hoặc không phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chính vì vậy, tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Du lịch. Trong quá trình soạn thảo Luật Du lịch 2017, Tổng cục Du lịch đã thực hiện đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tổ chức nhiều hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch, đăng tải trên trang mạng của Tổng cục Du lịch để điều chỉnh dự thảo Luật Du lịch đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện cho du lịch được phát triển tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch được tốt hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa của việc sửa đổi Luật Du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương - thành viên ban soạn thảo Luật Du lịch năm 2017 (Ảnh: Đăng Huy)
Điều đáng mừng là khi tiến hành sửa đổi Luật Du lịch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, nhiều tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 08 đã được chuyển tải và được pháp luật hóa trong Luật Du lịch. Cụ thể, tại Điều 5, Luật Du lịch về các chính sách phát triển du lịch đã khẳng định: Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Khoản 2 Điều 5 đã ghi rõ: Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
- Bà cho biết những điểm mới tiêu biểu nhất của Luật Du lịch năm 2017 so với Luật Du lịch năm 2005 là gì?
Thứ nhất, điểm nổi bật, xuyên suốt trong Luật Du lịch lần này là khách du lịch được đưa vào trọng tâm. Theo đó, rất nhiều điều khoản được quy định trong luật này đều xoay quanh trục đảm bảo lợi ích của khách du lịch. Chúng tôi xác định, khách du lịch rất quan trọng, nếu không có khách du lịch thì không có ngành du lịch. Tất cả những vấn đề liên quan đến quyền lợi của khách du lịch đều được quan tâm, ví dụ như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở dịch vụ khác cũng đều được quy định rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch một cách tốt nhất.
Thứ hai, trong Luật Du lịch 2017 nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa. Việc cấp giấy phép lữ hành quốc tế đã được quy định đơn giản hơn. Trước đây, doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép lữ hành quốc tế phải nộp hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở VHTTDL để thẩm định, sau đó Sở gửi lên Tổng cục Du lịch. Theo quy định tại Luật du lịch 2017, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đến TCDL. Về cơ sở lưu trú du lịch, theo Luật Du lịch 2017, việc đăng ký xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch là tự nguyện. Trước tiên, các cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 49. Ngoài ra, theo nhu cầu thị trường cơ sở lưu trú có thể đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xếp hạng. Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng theo chất lượng dịch vụ, khách du lịch khi lựa chọn cơ sở lưu trú đã được xếp hạng thì sẽ yên tâm hơn về chất lượng dịch vụ. Đây cũng là những cái khác biệt cơ bản giữa Luật Du lịch 2005 và Luật Du lịch 2017.
Thứ ba, để đảm bảo quyền lợi khách du lịch, bổ sung quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Luật Du lịch 2005 quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa chỉ cần thông báo đến Sở Du lịch, Sở VHTTDL về thời điểm bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện Luật Du lịch 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến kinh doanh lữ hành nội địa. Có trường hợp không thành lập doanh nghiệp, không bảo đảm các điều kiện kinh doanh, không thông báo đến sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch do vậy khi không bảo đảm quyền lợi của khách du lịch rất khó xử lý. Vì vậy, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa để bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện nhiều doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc.
Luật Du lịch 2017 quy định rõ hơn về trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của một số bộ ngành về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
- Trong Luật Du lịch lần này, có quy định rõ hơn về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp du lịch không, thưa bà?
+ Trong Điều 9, Luật đã quy định rõ hơn, chi tiết hơn những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, cụ thể cấm kinh doanh không có giấy phép, sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép của mình để kinh doanh; thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch,tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ…Đó là những hành vi bị nghiêm cấm và sẽ được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật về xử phạt hành chính nhằm duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.
- Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã cho biết, Luật Du lịch đã quy định rõ hơn về tiêu chuẩn hướng dẫn viên. Xin bà cho biết rõ hơn về vấn đề này?
+ Quy định về hướng dẫn viên cómột số điểm mới. Thứ nhất là Luật Du lịch 2017 điều chỉnh điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên (HDV). Trước đây, HDV quốc tế phải có bằng cử nhân và hướng dẫn viên nội địa phải có bằng cao đẳng, nhưng Luật Du lịch lần này chỉ yêu cầu HDV quốc tế tốt nghiệp Cao đẳng chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn và HDV nội địa tốt nghiệp Trung cấp chuyên ngành hướng dẫn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên không có nghĩa là giảm chất lượng đối với HDV, bởi lẽ chúng tôi xác định hướng dẫn du lịch là một nghề, ngoài việc đáp ứng bằng cấp về chuyên môn, về kiến thức thì cần phải có kỹ năng hành nghề, kỹ năng ứng xử với khách du lịch.
Thứ hai, trong Luật 2017 quy định rõ điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên là phải có: hợp đồng lao động với công ty lữ hành hoặc công ty chuyên cung cấp HDV hoặc là thành viên của hội nghề nghiệp về HDV… Tất cả các yêu cầu đó sẽ góp phần làm cho hoạt động của HDV tốt hơn, lành mạnh hơn, chất lượng cao hơn và mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.
- Còn một vấn đề mà doanh nghiệp hết sức quan tâm đó là Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, xin bà nói rõ hơn về Quỹ được quy định như thế nào trong Luật Du lịch?
+ Trong Luật Du lịch năm 2005 đã có quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng trong suốt 10 năm qua không triển khai được vì có những vấn đề vướng mắc về nguồn thu của quỹ, cách vận hành của Quỹ. Tất cả các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết hình thành Quỹ. Du lịch có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào việc hình thành và quản lý hiệu quả Quỹ này.
Quỹ hỗ trợ phát triển là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Theo đó, sẽ thành lập Hội đồng Quản lý quỹ và có bộ phận điều hành trực tiếp.
Vấn đề thứ hai là nguồn thu của Quỹ. Trong dự thảo trước khi trình Quốc hội nguồn thu của Quỹ chỉ có vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ các cái doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện cho quỹ. Tuy nhiên, chúng ta đều biết kinh phí nhà nước rất hạn hẹp. Nguồn đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân thì chúng ta không thể chủ động được, vì vậy để thành lập, vận hành hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra của Quỹ, ngoài các nguồn trên cần phải có nguồn kinh phí bổ sung hàng nămcho Quỹ. Rất mừng là Quốc hội đã quyết định bổ sung kinh phí hàng năm cho Quỹ trích từ phí tham quan, phí cấp thị thực.
- Tổng cục Du lịch và Bộ VHTTDL có kế hoạch gì để đưa Luật Du lịch vào cuộc sống?
+ Hiện nay Tổng cục Du lịch đang trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch triển khai, phổ biến Luật Du lịch 2017, theo đó Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật; cùng với việc phổ biến Luật Du lịch sẽ kết hợp lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liên quan về các văn bản hướng dẫn Luật với mục tiêu ban hành được các văn bản hướng dẫn khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018.
- Xin cảm ơn bà!
Lâm Minh