Du lịch cộng đồng: Cơ hội phát triển
Cập nhật: 28/08/2017
Luật Du lịch 2017 lần đầu tiên đưa vào nội dung quy định về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Đây được xem là điểm mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với loại hình du lịch này, tạo cơ hội thụ hưởng cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo cơ hội thụ hưởng cho bà con vùng sâu, vùng xa

Điểm tựa mới

Nội dung Luật Du lịch 2017 quy định cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển du lịch cộng đồng được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm văn hóa, lối sống tại cộng đồng. UBND cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm tiềm năng; có chính sách hỗ trợ về trang thiết bị cần thiết cho cá nhân, hộ gia đình tham gia cung cấp dịch vụ, hỗ trợ xúc tiến sản phẩm; tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển sản phẩm có trách nhiệm, tôn trọng văn hóa, chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng…

Chia sẻ về điểm mới này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thành viên Ban soạn thảo Luật Du lịch 2017 - cho biết, du lịch cộng đồng cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước cũng như của UBND các cấp. Quy định mới của Luật Du lịch 2017 nhắm tới mục tiêu thể hiện vai trò nhà nước trong việc định hướng cũng như hỗ trợ cộng đồng, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh phát triển du lịch. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế du lịch, mà còn khơi dậy niềm tin đối với cộng đồng, chủ thể chính của sản phẩm; giúp bà con làm giàu bằng tiềm năng sẵn có, tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần đa dạng sản phẩm cho du lịch Việt Nam. 

Cầu nối doanh nghiệp

Việc Luật Du lịch 2017 đưa vào nội dung quy định với sản phẩm du lịch cộng đồng đã mở ra hướng đi cụ thể để loại hình du lịch này tiếp tục được khai thác, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo sức hút với du khách, chính quyền địa phương cũng như các hộ dân cần tích cực nghiên cứu, cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm; khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa độc đáo của địa phương; đẩy mạnh phát triển sản phẩm bền vững, có trách nhiệm.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, các doanh nghiệp du lịch chính là cầu nối quan trọng giúp du khách tiếp cận loại hình sản phẩm du lịch cộng đồng. Thông qua đơn vị kinh doanh lữ hành, hoạt động và sản phẩm du lịch gắn liền với loại hình du lịch cộng đồng được xuất hiện trên thị trường như một kênh cung ứng nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Mặt khác, thông tin các đơn vị lữ hành cung cấp sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách đối với loại hình du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, phân tích của các nhà nghiên cứu du lịch cho rằng, để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch cộng đồng, các cấp quản lý cần nâng cao vai trò quản lý. Đây được coi là "đòn bẩy" quan trọng trong quá trình hỗ trợ cho địa phương, các đơn vị kinh doanh lữ hành hoàn chỉnh, hiện thực hóa các hoạt động và sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Các cấp quản lý cần tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các thị trường; đào tạo nhân lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho các hộ dân…

Bà NguyễnThị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Việt Nam là một trong những nước có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc dân tộc. Đây chính là điều kiện, cơ sở quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

Bảo Thoa

baocongthuong.com.vn