Khai mạc triển lãm 50 năm Củ Chi Đất thép thành đồng
Cập nhật: 18/09/2017
Kỷ niệm 50 năm ngày huyện Củ Chi (TPHCM) được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, ngày 17/9 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM đã khai mạc triển lãm ảnh “50 năm Củ Chi Đất thép thành đồng”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cùng các đại biểu tham dự triển lãm

Đến dự lễ khai mạc có đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đại diện các sở ban ngành, lực lượng vũ trang, lãnh đạo huyện Củ Chi; đoàn viên thanh niên cùng đông đảo người dân huyện Củ Chi và TPHCM.

Triển lãm giới thiệu 87 bức ảnh tư liệu, khái quát những những kỳ tích anh hùng trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược của quân và dân miền Đông Nam bộ. Từ chiến công oanh liệt của các trận đánh Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng đến Đông Xuân 1966 - 1967, quân dân ta đã liên tiếp phản công, lần lượt đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm tiền đề cho những thắng lợi rực rỡ sau này.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc để giành độc lập tự do cho dân tộc, quân và dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo, đã làm nên những chiến công vang dội, xứng đáng với danh hiệu Củ Chi Đất thép thành đồng, Sài Gòn - Gia Định trung kiên bất khuất...

Đặc biệt, Củ Chi là chiến trường ác liệt, đã diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và quân xâm lược. Đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Trung ương Cục chỉ đạo xây dựng lực lượng, căn cứ kháng chiến, làm bàn đạp tấn công liên tục vào trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn. Tính đến ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 30/4/1975, đế quốc Mỹ đã trút xuống đây 240.000 tấn bom đạn, trong đó có cả B52 và chất độc da cam; tổ chức trên 5.000 trận hành quân bố ráp hòng tiêu diệt quân và dân Củ Chi.

Đương đầu với những thách thức ác liệt và nghiệt ngã của chiến tranh, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn - Gia Định, Củ Chi đã kiên cường bám trụ, bám làng đánh giặc. Hơn 18.000 con em của huyện nhà đã hăng hái lên đường tham gia kháng chiến.

Trong phong trào thi đua quyết chiến quyết thắng, Củ Chi là một trong ba lá cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh. Chỉ với vũ khí thô sơ tự tạo, du kích Củ Chi đã phải đối đầu với đội quân tinh nhuệ, thiện chiến nhất, sử dụng các loại thiết bị, vũ khí hiện đại, có sức công phá lớn của Mỹ, ngụy. Ý chí kiên cường của lòng dân, lòng đất đã thắng lợi. Đặc biệt, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng của Việt Nam.

Bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân vô cùng phong phú và sáng tạo, với những chiến công rực rỡ, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ 2, vùng đất Củ Chi đã được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” và sau đó hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Minh An

sggp.org.vn