Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2017 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 29/10/2017 tới tại chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Lễ hội chùa Keo mùa Thu - một trong những lễ hội lớn nhất trong năm trên địa bàn tỉnh Thái Bình diễn ra trong thời gian từ 29/10 - 03/11/2017 (tức 10/9 - 15/9 âm lịch).
Đến với lễ hội, ngoài phần lễ trang trọng và linh thiêng, du khách phương xa còn chứng kiến những nét độc đáo, các hoạt động văn hóa, thể thao và những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc địa phương như: Thi têm trầu cánh phượng, chọi gà, thi hát văn, đập niêu, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô bắt vịt, kéo co, bơi chải cạn…
Nét mới của lễ hội chùa Keo mùa Thu năm nay đó là lễ hội được tổ chức gắn với lễ đón bằng công nhận lễ hội chùa Keo là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và tổ chức hội chợ thương mại du lịch chùa Keo năm 2017.
Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân. Các nghi lễ trong những ngày hội thu của chùa Keo vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, đua tài giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử.
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang tự) tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, được xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000 m2. Chùa Keo ngoài thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh). Vị thánh được thờ là Thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học.
Hiện nay, khu di tích chùa Keo có tổng diện tích 41.561,9m2, gồm 17 công trình với 128 gian, được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “Nội công ngoại quốc”. Nổi bật trong khuôn viên chùa là những công trình kiến trúc như: Tam quan, chùa Phật, Điện Thánh, tòa giải vũ, vườn tháp, gác chuông, hành lang, khu tăng xá…
Với những giá trị lịch sử và văn hóa, ngày 28/4/1962, chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Tháng 9/2012, chùa Keo được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm hai cụm kiến trúc: Khu Chùa là nơi thờ phật và khu Đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa./.