Đề xuất lập hồ sơ Lễ cấp sắc của người Dao trình UNESCO
Cập nhật: 02/10/2017
Đó là ý kiến kết luận tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước được Bộ VHTTDL phối hợp cùng UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngày 30/9/2017 tại Tuyên Quang.

Hội thảo Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đồng chủ trì hội thảo cho biết: Ban tổ chức thống nhất đề xuất Chính phủ; Bộ VHTTDL cho phép làm hồ sơ Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO. Đồng thời kiến nghị Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh Tuyên Quang có chính sách cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao…

Theo thống kê của cuộc tổng điều tra dân số năm 2009, cả nước có 751.000 người Dao, chia thành nhiều nhánh khác nhau, trong đó tập trung đông ở Tuyên Quang và Hà Giang. Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào dân tộc Dao đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mang đậm sắc thái riêng của mình.  

Qua lễ Cấp sắc mới biết lễ phải trái ở đời

Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con. Người đã qua cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, mới có thể dạy chữ, dạy cúng, làm nghề thầy cúng (người Dao coi trong dạy học, làm thầy cúng, thầy thuốc).

Người Dao cũng quan niệm rằng có trải qua lễ cấp sắc mới biết lễ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên nơi Dương Châu, không phải sa xuống địa ngục.

Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. Trong lễ cấp sắc, người được cấp sắc và những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình từ những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc, từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Dao.

Lễ cấp sắc phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao, thể hiện qua các điệu múa, hát đối đáp - páo dung, tranh vẽ, hình cắt giấy… Lễ cấp sắc hướng người đàn ông Dao cũng như các thành viên trong cộng đồng biết tôn sư trọng đạo, kính trọng cha mẹ, luôn làm điều thiện. Có thể nói thêm rằng lễ cấp sắc giúp cho người Dao thêm sức mạnh tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai.

Người Dao có quy định con trai từ 10 đến 16 tuổi thì được làm lễ cấp sắc. Ở Người Dao Tiền, con trai được cấp sắc trong độ tuổi muộn hơn, từ 15 đến 18. Người Dao Quần Trắng không làm Lễ cấp sắc cho con trai dưới 10 tuổi. Ngược lại ở người Dao Thanh Y Lễ cấp sắc có thể tiến hành từ lúc đứa con trai mới 8 tuổi.

Lễ cấp sắc vừa là công việc riêng của gia đình, vừa là sinh hoạt riêng mang tính cộng đồng của dòng họ, bản làng. Để thực hiện một lễ cấp sắc, gia đình phải lo trước hàng năm về lương thực, thực phẩm. Công việc này đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, làng xóm. Đến khi cấp sắc được tiến hành là công việc giúp làm đàn lễ, làm ghế ngồi, lo cỗ bàn.

Lễ cấp sắc của người Dao trong Ngày hội văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất (29/9/2017)

Trong lễ cấp sắc, các thầy cúng phải cầu khấn các thành phần bảo trợ của mình, phải cúng tổ tiên của gia chủ, và đặc biệt phải mời Bàn Vương về dự. Tương tự như đối với mo Thái và mo Mường, việc kể tích Bàn Vương là một trong những nội dung quan trọng, bởi con người từ thời xa xưa luôn mong muốn biết được các hiện tượng tự nhiên, của muôn loài, của con người và của chính mình, do vậy các dạng mo đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, đẻ ra muôn loài phổ biến ở hầu hết các cư dân nguyên thuỷ thì suy cho cùng cũng đều nhằm giải thích thế giới, giải thích vũ trụ theo quan niệm của thế giới quan thần thoại mà có người coi như là một dạng sử thi.  

Đề nghị Lễ hội Bàn Vương là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Tại Hội thảo cũng thống nhất đề nghị Chính phủ, Bộ VHTTDL làm hồ sơ Lễ hội Bàn Vương là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Dù quan niệm về Bàn Vương có những điểm khác nhau song tất cả các ngành Dao đều có tục thờ cúng Bàn Vương “Piền Hùng” là tín ngưỡng chung. Cách thức tổ chức lễ cúng Bàn Vương ở mỗi nơi, mỗi ngành Dao cũng có những nét khác nhau, phổ biến ở ba kiểu.

Kiểu thứ nhất là làm lễ lớn “Tồm Đàng” do người Dao trong một xã cùng đứng ra mổ trâu, lợn tổ chức như một lễ hội. Thời gian tổ chức lễ hội thường vài năm làm một lần và kéo dài tới vài ngày gồm cả lễ và hội. Kiểu cúng tế thứ hai là “Đàng Ton” nghĩa là nghi lễ nhỏ được tổ chức trong quy mô dòng họ. Thông thường, lễ này được tổ chức đối với các dòng họ coi Bàn Vương là ông tổ của mình và tự tập hợp nhau lại tổ chức cúng tế  theo truyền thống của các dòng họ. Kiểu cúng tế thứ 3 là cúng tế Bàn Vương trong từng gia đình. Nghi lễ này được tiến hành kết hợp trong các lễ cúng khác của gia đình như lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, cúng vía lúa, làm chay…

Cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người Dao, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và niềm tin được tổ tiên linh thiêng phù trợ. Cúng Bàn Vương còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản tạo nên sức mạnh để bảo vệ và xây dựng cuộc sống.

Q. BÌNH

nongnghiep.vn