Đó là nội dung được nêu lên tại buổi tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội vào sáng 4/10.
Tham dự buổi tọa đàm có sự tham gia của: GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam; TS Lê Hoàng Lan – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; TS Nguyễn Quốc Dựng – Viện Điều tra Quy hoạch rừng; TS Phạm Hồng Long – Chuyên gia về du lịch, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN)… cùng các cơ quan thông tấn báo chí. Buổi tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Tạp chí Bảo về Rừng và Môi trường phối hợp tổ chức.
Thời gian qua, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng du lịch đã được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng như ở: Phú Quốc, Hoàng Liên, Bà Nà… Điều này đã dấy lên sự lo ngại của công chúng về sự đánh đổi giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh Luật về Bảo vệ rừng và Phát triển rừng, Luật Thủy sản đang được sửa đổi và sắp tới là Luật Đa dạng Sinh học, việc trao đổi và nhìn nhận lại một số vấn đề như: Trong bối cảnh phát triển du lịch nở rộ như hiện nay, liệu các khu bảo tồn còn có thể đảm bảo mục tiêu lúc đầu không? Pháp luật và chính sách hiện hành còn kẽ hở và những hạn chế nào? Đâu là giải pháp để hài hòa phát triển và bảo tồn thiên nhiên hợp lý và bền vững hơn?... là vô cùng cần thiết.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, chúng ta cần phải định nghĩa thật chính xác du lịch sinh thái là gì? Đó chính là du lịch có trách nhiệm bảo tồn, phát triển du lịch cần gắn liền với bảo tồn bởi vì du lịch là ngành kinh tế dựa trên bảo tồn nhiều nhất.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Phạm Hồng Long – Chuyên gia về du lịch, ĐHQGHN chia sẻ, bên cạnh những tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái (DLST), vẫn tồn tại một số thách thức trong phát triển DLST ở các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: DLST chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chủ yếu tập trung ở một số Vườn Quốc gia, khu bảo tồn; chưa tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc phát triển DLST, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng; nguồn thu từ phát triển DLST chưa bù đắp được chi phí và đầu tư trở lại…
TS Phạm Hồng Long cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, thách thức trong phát triển DLST ở các khu bảo tồn đó là: trình độ nhận thức chưa cao về giá trị sinh thái môi trường; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch còn hạn chế và chưa đồng bộ; thiếu đội ngũ điều hành, quản lý, nghiệp vụ được đào tạo chính quy về du lịch và DLST; công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng bá DLST chưa được nhận thức đúng ở các cấp, các ngành, thành phần kinh tế…
Tại tọa đàm các đại biểu cũng góp ý rằng, giữa nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương cần phải có sự liên kết có trách nhiệm với nhau để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, du lịch vừa gắn liền với bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát để đánh giá hiện trạng phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên với sự tham gia, vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học để từ đó có những giải pháp cụ thể, đảm bảo phát triển du lịch phải song hành với công tác bảo tồn./.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh