Phiên chợ Sâm núi Ngọc Linh là một sự kiện văn hóa, du lịch và thương mại khá độc đáo lần đầu tiên và duy nhất được tổ chức tại huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam. Phiên chợ diễn ra vào ngày 1 hàng tháng và kết thúc sau 3 ngày tại Trung tâm VHTDTT huyện.
Phiên chợ Sâm đặc biệt và duy nhất ở Việt Nam
Với quy mô hơn 20 gian hàng trưng bày giới thiệu về Sâm Ngọc Linh của các hộ trồng sâm, các sản phẩm được chế biến từ Sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp như: Rượu Sâm, viên nang sâm, trà sâm, kẹo sâm… cùng 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về mặt hàng nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như: Quế Trà My, hàng thổ cẩm, các loại cây dược liệu, nông sản đặc trưng miền núi Quảng Nam… đã tạo nên khu chợ khá sầm uất, náo nhiệt ở một huyện miền núi hẻo lánh.
Ngoài việc khách tham gia phiên chợ để tham quan và mua Sâm Ngọc Linh và sản phẩm chế biến từ sâm đảm bảo chất lượng, được kiểm định và kiểm nghiệm chặt chẽ, chợ còn là sự trải nghiệm văn hóa của đồng bào miền núi với những đặc sản của vùng đất Nam Trà My.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho rằng: Phiên chợ Sâm chính là dịp quảng bá, giới thiệu về cây Sâm Ngọc Linh đến với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các cơ sở làng nghề của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng, miền và cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động trồng trọt, sản xuất kinh doanh.
Tại phiên chợ, mọi người sẽ được tham quan, trao đổi, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh với những người nông dân trồng sâm, mọi người được mua sâm củ Ngọc Linh, các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh thật, đảm bảo chất lượng, có sự kiểm định của tổ thẩm định sâm.
Nói là phiên chợ đặc biệt vì đó là phiên chợ duy nhất để người mua sâm được tận mắt xem, tìm hiểu, phân biệt sâm thật và sâm giả, bao gồm lá, thân, củ Sâm Ngọc Linh, góp phần vào việc quản lý chất lượng, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh khi mà Sâm Ngọc Linh trên thị trường đang thật giả lẫn lộn. Việc tổ chức các phiên chợ hàng tháng là một bước đột phá trong quảng bá thương hiệu cho sâm núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam.
"Minh chứng là trong phiên chợ sâm lần thứ nhất vừa kết thúc vào 3/10 vừa qua đã thu hút trên 7.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được trên 4,5 tỷ đồng; trong đó mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được trên 30kg" – ông Bửu nói.
Phải giữ rừng để trồng Sâm
Cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đã có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện TuMơRông tỉnh Kon Tum. Đây là loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, nó chứa đến 52 hợp chất saponin, là một trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới.
Những năm gần đây và nhất là khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm núi Ngọc Linh (Sâm Việt Nam), công tác bảo tồn và phát triển cây Sâm Núi Ngọc Linh đã phát triển mạnh tại huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam.
Số hộ trồng sâm ở huyện này đã không ngừng tăng lên, di thực sang trồng tại một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Từ ngày sâm Ngọc Linh được công nhận là dược liệu quý của thế giới, giá trị sâm tăng lên, bà con ở Trà Linh đã ngừng hẳn việc phá rừng làm rẫy.
Từ nóc Luông Giang nhìn ra bốn phía đâu cũng là núi cao ngút ngàn. Giữa ban ngày, những lớp sương mù và mây vẫn che phủ trắng xóa các ngọn núi. Lối lên vùng sâm tại thôn 2, thôn 3, thôn 4 của xã Trà Linh rất khó đi do bị phủ kín cây rừng rậm rạp. Càng lên cao, càng bất ngờ khi những cánh rừng nguyên sinh với những cây gỗ đại thụ vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
Ông Hồ Văn Du, một trong những hộ trồng sâm lớn nhất tại Nam Trà My cho biết: Nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc vùng trồng sâm tại Nam Trà My cũng được nâng lên, người dân đã biết bảo vệ rừng, phục hồi rừng để trồng sâm. Chỗ trồng sâm phải có nhiều rừng già bao quanh bên ngoài mới giữ được độ ẩm, độ mát cho cây sâm phát triển vào mùa nắng. Trồng sâm Ngọc Linh giúp người Xơ Đăng ở Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang thoát cảnh khó khăn, túng thiếu.