Tọa đàm phát triển du lịch huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng
Cập nhật: 09/10/2017
(TITC) - Nằm trong khuôn khổ chương trình khảo sát phát triển du lịch Cao Bằng do Tổng cục Du lịch tổ chức, chiều ngày 6/10/2017, tại huyện Phục Hoà đã diễn ra buổi Toạ đàm phát triển du lịch huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo lãnh đạo UBND huyện, Phục Hoà là huyện biên giới, nằm ở phía Đông của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 60km, có diện tích tự nhiên hơn 25.000 ha, dân số hơn 23.000 người, gồm 3 dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng và Kinh. Với địa hình tương đối bằng phẳng, không gian rộng lớn, hệ thống sông suối đa dạng tạo ra nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hệ sinh thái đa dạng hai bên bờ sông. Bên cạnh các con sông lớn là các thác nước hùng vĩ, hoang sơ như Thác Bạc, thác Đầu Nguồn; các hang động đẹp và phong phú như Hang Gió, động Thiên Uy, Ngườm Riềm... Đây là những điều kiện lý tưởng để huyện phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch trải nghiệm. 

Ngoài cảnh qua thiên nhiên tươi đẹp, huyện Phục Hoà còn có đời sống văn hoá rất đa dạng phong phú. Nét văn hoá Tày, Nùng được thể hiện rất đậm nét qua cuộc sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào với trang phục, công cụ sản xuất, lời ăn tiếng nói, các làn điệu dân ca. Văn hoá ẩm thực nơi đây cũng rất hấp dẫn với đường phên, vịt quay, phở vịt, bánh tráng, canh chuối rừng... Mỗi món ăn đều mang vị riêng, đậm đà hương vị địa phương.

Về du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn hiện tại có 3 khách sạn, 19 nhà nghỉ với 300 phòng; 6 nhà hàng phục vụ ăn uống, với mỗi nhà hàng phục vụ được trên 500 khách. Trong thời gian tới sẽ có thêm 4 khách sạn với 100 phòng, đáp ứng trên 1.000 khách nghỉ. 

Hiện nay, huyện đang tích cực bảo tồn, giữ gìn các giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể, hệ thống tín ngưỡng đa dạng như chùa Phật tích Trúc Lâm, nhà thờ giáo xứ Hưng Long, đền thờ Vua Lê, các danh lam thắng cảnh... và thúc đẩy các loại hình du lịch cửa khẩu, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh...

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết Tổng cục Du lịch tổ chức đoàn khảo sát nhằm hỗ trợ huyện Phục Hoà định hướng phát triển du lịch. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp lữ hành kết nối, xây dựng các tour tuyến mới, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, đưa thêm du khách về với huyện Phục Hoà nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.

Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành

Trong 3 ngày khảo tại huyện Phục Hoà, đoàn famtrip đã đi thăm bản Giuồng (xã Tiên Thành), làng nghề truyền thống nấu mật, làm đường phên, nhà thờ Hưng Long, làm lễ dâng hương tại đền thờ Bác Hồ, khảo sát di tích núi Báo Đông, nhà anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, cặp cửa khẩu Tà Lùng và Thủy Khẩu của Việt Nam và Trung Quốc, sang tham quan thị trấn Long Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc)...

Tham dự buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đều cho rằng huyện Phục Hoà có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú, nhiều địa điểm du lịch đẹp và hoang sơ. Các đại biểu đánh giá cao vẻ đẹp thuần khiết, truyền thống của bản Giuồng với nhiều tập tục sinh hoạt của người dân còn giữ được nhiều nét đặc trưng; sự thiêng liêng, hùng vĩ của địa điểm lịch sử Báo Đông - nơi Bác Hồ quan sát trận địa pháo Đông Khê và một số căn cứ của chiến dịch Đông Khê.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, huyện Phục Hòa còn có những hạn chế về đường sá, thuyết minh viên tại điểm, vệ sinh môi trường... Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, huyện cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên hoang sơ; kết nối các cụm di tích lịch sử Đông Khê với di tích Pắc Bó, suối Lê-nin; mở các lớp bồi dưỡng thuyết mình viên để phục vụ cho công tác truyền tải thông tin đến với du khách; đẩy mạnh quảng bá văn hoá ẩm thực; giới thiệu rộng rãi hơn nữa với du khách về các trải nghiệm cuộc sống của đồng vào dân tộc Tày, Nùng...

Theo chương trình, đoàn famtrip sẽ tiếp tục đi khảo sát điểm du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao thuộc tuyến du lịch phía Đông Công viên địa chất non nước Cao Bằng; vườn quốc gia Phja Oắc, điểm du lịch sinh thái Kolia thuộc tuyến du lịch phía Tây Công viên địa chất non nước Cao Bằng và tham dự buổi Toạ đàm phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Cao Bằng vào ngày 9/10 tới đây.

Tin, ảnh: Thu Thuỷ