(TITC) - Sáng ngày 9/10/2017, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Cao Bằng. Đây là sự kiện trong khuôn khổ chương trình khảo sát du lịch Cao Bằng do Tổng cục Du lịch phối hợp với các bên liên quan tổ chức từ ngày 4-9/10/2017.
Buổi tọa đàm có sự hiện diện của ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; cùng đại diện các sở ban ngành và doanh nghiệp du lịch Cao Bằng và các thành viên đoàn khảo sát.
Giới thiệu về tiềm năng du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo cho biết Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và có giá trị cao về du lịch cùng nhiều di tích lịch sử cách mạng văn hóa như thác Bản Giốc, hồ Thăng Hen, khu sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pắc Bó, rừng Trần Hưng Đạo, khu di tích Chiến dịch Biên giới 1950...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo nhấn mạnh tỉnh đã xác định phát triển du lịch là mục tiêu trọng tâm, xây dựng Chương trình phát triển du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII với mục tiêu đến năm 2020 định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch với các giá trị đặc trưng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, thu hút khoảng 75.000 lượt khách quốc tế, 820.000 lượt khách nội địa.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp trong đó tập trung vào tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư, hợp tác khai thác du lịch, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng... Bằng sự nỗ lực, cố gắng, trong những năm gần đây, du lịch Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực, lượng khách, doanh thu tăng dần theo từng năm, nhận thức của cộng đồng ngày một nâng cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Thảo cũng hi vọng thông qua buổi toạ đàm này tỉnh sẽ nhận được những ý kiến trao đổi và đánh giá về hoạt động du lịch địa phương, những hạn chế, tồn tại trong công tác quy hoạch, quản lý điểm đến, cơ chế chính sách, sản phẩm du lịch, cùng những giải pháp cho phát triển du lịch Cao Bằng trong thời gian tới.
Theo ông Sầm Việt An - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng, năm 2016, Cao Bằng đã thu hút trên 741.000 lượt khách, tăng 13,5% so với năm 2015; trong đó khách quốc tế đạt trên 40.000 lượt, tăng 11%; khách nội địa đạt trên 701.000 lượt, tăng 13,6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 146,7 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Chín tháng đầu năm 2017, lượng khách đến với Cao Bằng đạt 747.510 lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khách quốc tế đạt 40.364 lượt, tăng 39%; khách nội địa đạt 707.146 lượt, tăng 19%; tổng thu từ khách du lịch đạt 149,6 tỷ đồng, tăng 19%.
Hiện tại, tỉnh Cao Bằng đang tích cực triển khai các dự án tại Khu di tích Pắc Bó, Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Khu di tích Bác Hồ với Chiến thắng chiến dịch Biên giới.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch với mục tiêu đến năm 2020, Khu di tích Pắc Bó là điểm du lịch quốc gia và Khu du lịch Thác Bản Giốc là khu du lịch quốc gia; triển khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình với các dự án, đề án tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá... Đặc biệt, cuối năm nay, tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức Hội nghị đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch năm 2017 nhằm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đều đánh giá cao về loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, tình cảm nồng ấm của người dân địa phương, đời sống văn hóa đầy sắc màu. Tuy nhiên sức cạnh tranh du lịch chưa cao bởi phát triển còn tự phát, chưa tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Các doanh nghiệp cho rằng tỉnh cần phát triển các sản phẩm cụ thể phù hợp với từng thị trường khách. Huyện Phục Hoà với điểm mạnh về cảnh quan đồng quê, làng nghề, đời sống người dân, huyện cần đầu tư cải thiện đường sá, xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, trekking, đi xe đạp, xe máy khám phá cảnh quan làng quê.
Về chất lượng dịch vụ sản phẩm, các doanh nghiệp nhận thấy tại các khu điểm, du lịch chưa có nhiều nhà hàng ăn uống, dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, cần thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Các làng nghề cần đầu tư hơn về sản phẩm, bao bì tạo nên các sản vật địa phương hấp dẫn, đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm...
Về công tác thông tin, quảng bá, tỉnh cần đầu tư thêm hệ thống biển chỉ dẫn thông tin cho du khách, giới thiệu bản sắc văn hoá của người dân địa phương; bên cạnh các điểm du lịch nổi tiếng và quen thuộc, cần đẩy mạnh quảng bá nhiều điểm du lịch mới như bản Giuồng, làng nghề làm đường phên Hoà Thuận, làng nghề rèn Pác Rằng, Công viên địa chất non nước Cao Bằng với cảnh quan mây núi đẹp và yên bình. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đẩy mạnh quảng bá văn hoá ẩm thực với nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như lợn sữa quay, xôi trám, thạch găng, hạt dẻ Trùng Khánh, phở chua...
Ngoài ra, tỉnh cũng cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nên mở các lớp đào tạo ngắn hạn về thuyết minh viên tại điểm; xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng trên các mạng internet; tham gia hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để đưa hình ảnh du lịch Cao Bằng đến gần hơn nữa với khách du lịch trong và ngoài nước.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương
Đánh giá cao sự phối hợp của tỉnh Cao Bằng trong việc tổ chức chương trình khảo sát từ ngày 4-9/10, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, chương trình khảo sát lần này nhằm tăng cường kết nối các doanh nghiệp du lịch với địa phương, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, qua đó thu hút thêm nhiều du khách đến với Cao Bằng - một miền đất với vẻ đẹp non nước hữu tình.
Về định hướng phát triển du lịch Cao Bằng, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng nên tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, hướng đến đối tượng khách Tây Âu, khách biên giới và nội địa, đẩy mạnh liên kết với các địa phương lân cận như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Đồng thời, tăng cường quảng bá du lịch Cao Bằng trên các trang mạng xã hội... Phó Tổng cục trưởng khẳng định Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành với Cao Bằng trong quá trình phát triển du lịch của tỉnh.
Tin, ảnh: Thu Thuỷ