Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 10/11/2017
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, cho nên, thời gian qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) tăng cường đầu tư cho du lịch trên nhiều mặt, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã tăng lên đáng kể. Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều điểm đến trong vùng luôn đông khách, là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển du lịch.

Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ)

Tín hiệu khả quan

Những năm gần đây, tình hình phát triển du lịch ở khu vực ÐBSCL có bước tiến vượt bậc; trong đó, Ðồng Tháp là một trong những địa phương nổi bật nhất. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðồng Tháp, trong tháng 10/2017, toàn tỉnh đón khoảng 110.000 lượt khách, tăng gần 25% so cùng kỳ năm 2016; nâng tổng du khách đến Ðồng Tháp trong 10 tháng đầu năm lên hơn 2,5 triệu lượt, tăng khoảng 24%; tổng doanh thu ước đạt hơn 490 tỷ đồng. Các khu du lịch như: Vườn quốc gia Tràm Chim, khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, khu di tích Xẻo Quýt... là những nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ðồng Tháp tạo đột phá bằng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn trái cây, tạo sự gần gũi cho du khách.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương nhận định: Chính từ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đẩy mạnh chiến lược phát triển du lịch đã tạo sự chuyển biến tích cực. Các khu, điểm du lịch trọng điểm đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, thay mới các trang thiết bị tiện nghi. Sản phẩm du lịch có bước phát triển mới, được du khách đánh giá cao; công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Ðồng Tháp được thực hiện thường xuyên, liên tục đem lại hiệu quả tốt, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Tại Cần Thơ, trung tâm kinh tế của vùng ÐBSCL, trong tám tháng đầu năm 2017, các điểm du lịch đã đón khoảng 5,3 triệu lượt khách, tăng 43% so cùng kỳ (gần bằng cả năm 2016). Riêng dịp lễ 2-9 thu hút hơn 76.700 lượt khách; doanh thu đạt hơn 48 tỷ đồng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, ngành du lịch tỉnh hướng đến mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách và doanh thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng trong năm nay.

Kiên Giang là tỉnh đứng đầu trong vùng ÐBSCL về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng, với tiềm năng to lớn, từ những năm 2005, tỉnh đã định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang luôn là địa bàn nóng trong việc thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Với số lượng 274 dự án còn hiệu lực triển khai, tổng diện tích 7.690 ha, tổng vốn 231.762 tỷ đồng đã cho thấy nhận định này là chính xác. Tuy nhiên, địa bàn mà giới đầu tư đặc biệt quan tâm vẫn là huyện đảo Phú Quốc, nơi sẽ trở thành một trong ba đặc khu hành chính - kinh tế đầu tiên của Việt Nam trong thời gian tới. Ðảo hiện có 218 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với diện tích 6.445 ha, tổng vốn hơn 222.275 tỷ đồng. Hiện nay, đã có 30 dự án đi vào hoạt động, nhiều dự án đầu tư quy mô tầm cỡ quốc tế.

Ðể có sự tăng trưởng ấn tượng về đầu tư, tỉnh Kiên Giang đã huy động nguồn vốn rất lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: Cảng hàng không, cảng biển, hệ thống đường thủy nội địa quốc gia, quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 6-2017, tỉnh Kiên Giang đã đón và phục vụ khoảng 20,4 triệu lượt khách; trong đó, 1,1 triệu lượt khách quốc tế. Riêng năm 2016, khách du lịch đến Kiên Giang đạt 5,6 triệu lượt, có 309.700 lượt khách quốc tế, doanh thu 3.671 tỷ đồng; tỷ lệ tăng trưởng bình quân về doanh thu hằng năm là 43,6%. Dự kiến lượng khách đến Kiên Giang trong năm 2017 sẽ đạt con số hơn 6 triệu lượt.

Hợp tác cùng phát triển

Có thể nói, số lượng du khách đến với ÐBSCL ngày càng tăng và có phần nhỉnh hơn vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Bắc Trung Bộ về lượng khách trong nước; thế nhưng, lượng khách trong nước lại thấp hơn so với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Ðông Nam Bộ. Mặt khác, giữa các địa phương ở ÐBSCL số lượng khách du lịch cũng có chênh lệch lớn. Thí dụ, hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre chiếm đến 50% tổng lượng khách quốc tế cả vùng. An Giang chiếm một phần ba tổng lượng khách trong nước cả vùng. Kiên Giang, Cần Thơ dù chỉ chiếm 17% lượng khách trong nước và 23% lượng khách quốc tế, nhưng đạt gần 50% trong tổng doanh thu từ khách du lịch của vùng...

Ðại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hoạt động du lịch của ÐBSCL có cải thiện đáng kể, nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch ÐBSCL trùng lắp, thiếu nét độc đáo, không rõ tính đặc thù trong phát triển tua, tuyến... Khách đến và đi chủ yếu chỉ trong ngày, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít, khiến doanh thu thấp. Hiện tại, tỷ lệ lưu trú của khách ở ÐBSCL chỉ đạt trung bình 1,95 ngày với khách quốc tế, 1,7 ngày với khách trong nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhìn nhận: Gần đây, lượng du khách nghỉ dưỡng ở Phú Quốc liên tục tăng. Chính vì vậy, mà nhiều hạng mục đầu tư cho Phú Quốc phải “chạy đua” trước so với các kế hoạch như: Mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc, kéo thêm đường điện ra Phú Quốc, làm nhanh cơ sở hạ tầng, giao thông… Cần đầu tư thêm những dự án vui chơi tầm cỡ ở tỉnh nói chung và Phú Quốc nói riêng để giữ chân khách ở lại lâu hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, tỉnh rất chú trọng tập trung các nguồn lực cho du lịch “cất cánh”. Mới đây, ba tỉnh thuộc tiểu vùng Ðồng Tháp Mười là: Ðồng Tháp, Tiền Giang và Long An vừa ký hợp tác cùng TP Hồ Chí Minh để cùng nhau phát triển du lịch. Theo đó, tua du lịch mới “Một hành trình ba điểm đến” lấy điểm xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang và Ðồng Tháp, bằng đường thủy và đường bộ. Du khách sẽ được ghé thăm các địa điểm nổi tiếng của các địa phương như: Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, khu bảo tồn sinh thái Ðồng Tháp Mười; khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ quốc gia đặc biệt Gò Tháp; Vườn quốc gia Tràm Chim…

Hiệp hội Du lịch ÐBSCL đề xuất, do nhiều địa phương ở khu vực có điều kiện tương đồng nhau, vì vậy, cần liên kết để tránh trùng lắp các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh. Thời gian qua, Hiệp hội đã xây dựng các cụm hợp tác phát triển du lịch theo vùng, như: Cụm phía tây ÐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; cụm phía đông ÐBSCL gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long. Ðây là giải pháp nhằm phát huy lợi thế từng địa phương trong phát triển du lịch; đồng thời hợp tác quảng bá du lịch, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch…

Các chuyên gia về du lịch lưu ý, để du lịch ÐBSCL tăng tốc, cần sự đầu tư đúng hướng, có giải pháp hợp lý để phát triển nhanh, tăng cường liên kết. Theo đó, xây dựng TP Cần Thơ và huyện đảo Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch và điều phối du khách cho cả ÐBSCL. Ðối với TP Mỹ Tho, sẽ xây dựng thành trung tâm du lịch phía đông và đóng vai trò phụ trợ cho vùng.

Đỗ Nam, Việt Tiến, Tân Thành

nhandan.com.vn