Xây dựng công viên địa chất núi lửa tỉnh Đắk Nông thành công viên địa chất toàn cầu
Cập nhật: 21/11/2017
Ngày 20/11, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng công viên địa chất núi lửa tại tỉnh Đắk Nông. Tham gia hội thảo có các nhà khoa học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia địa chất trong và ngoài tỉnh Đắk Nông.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về: Xác định ranh giới, cách đặt tên các hang động, các di sản cần bảo tồn trong khu vực công viên địa chất; việc cần phải làm để xác định những di sản cần bảo tồn trong khu vực công viên địa chất, hoàn thành thủ tục để trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu.

UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng công viên địa chất núi lửa tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Báo Đắk Nông

Các đại biểu cho rằng, để xây dựng công viên địa chất núi lửa tại tỉnh Đắk Nông thành công viên địa chất toàn cầu đúng theo tiêu chuẩn, tỉnh cần xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ cảnh quan môi trường; tăng cường quảng bá, giới thiệu, thu hút khách tham quan nhằm xúc tiến du lịch…

Một số nhà khoa học nhấn mạnh, Đắk Nông cần đặt tên những núi lửa, hang động núi lửa theo tên đặc trưng từng địa phương; cần bảo tồn và phát huy giá trị vật thể, phi vật thể trong các hang động này. Đối với những doanh nghiệp đã khai thác tài nguyên trong khu vực dự kiến xây dựng công viên địa chất (trước khi phát hiện hệ thống hang động núi lửa), tỉnh cần xử lý hài hòa giữa việc bảo tồn giá trị công viên địa chất và lợi ích của doanh nghiệp như tìm nguồn tài nguyên thay thế, khu vực thay thế...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi Trường) cho rằng: Công viên địa chất phải có dân, người dân và cộng đồng địa phương cùng chung sống, đặc biệt phải cùng tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị.

Người dân có thể trở thành những người bảo vệ, hướng dẫn viên, làm ra các sản phẩm phục vụ gắn với địa phương để quảng bá, phát huy giá trị công viên địa chất. Điều này sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao hiểu biết của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa.

Đắk Nông là địa phương có khá nhiều núi lửa, hang động núi lửa, điểm địa chất tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Nô, Cư Jut, Đắk Mil và Đắk Song. Theo khảo sát của các nhà khoa học thời gian qua, trong khu vực này có hơn 100 loài động, thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Khu vực này còn có Khu bảo tồn Thiên nhiên Nâm Nung, Rừng đặc dụng Dray Sáp, Di tích lịch sử ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử kháng chiến B4…

Đồng thời, đây là vùng văn hóa đặc sắc, phong phú, với nhiều tộc người cùng sinh sống. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị trong hang động núi lửa. Theo các nhà khoa học, những địa điểm này có giá trị cao về khoa học và du lịch. Tỉnh Đắk Nông dự kiến xây dựng công viên địa chất núi lửa khu vực này với diện tích hơn 4.000 km2.

Tin, ảnh: Ngọc Minh

TTXVN