Trưng bày bảo vật quốc gia tại Hà Nội
Cập nhật: 24/11/2017
Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước, vì vậy, nơi đây chứa đựng rất nhiều những di sản quốc gia quý báu. Một trong những giá trị cốt lõi của không gian Hà Nội được lưu giữ, phát huy trong các bảo tàng là các di tích đình, chùa, đền, miếu và trong các nhà sưu tập tư nhân, đó là các bảo vật quốc gia. Hiện tại, Thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ công nhận 12 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia, trải dài từ thời văn hóa Đông Sơn cho tới thời Nguyễn.

Buổi lễ trưng bày các bảo vật quốc gia thu hút đông đảo quan khách, nhân dân tham gia.

Ngày 23/11, Bảo tàng Hà Nội đã trưng bày 4 nhóm bảo vật quốc gia quý giá, bao gồm: Trống đồng Cổ Loa và lưỡi cày đồng trong trống; Cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI; Long Đình gốm Bát Tràng thế kỷ XVII và chuông Thanh Mai đúc năm 798.

Cùng với đó là sự kiện Sở VHTT Hà Nội cho ra đời cuốn sách “Bảo vật quốc gia Thăng Long Hà Nội” nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2017). Đây là một ấn phẩm có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần làm rõ những giá trị, kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa cách mạng hàng ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội.

Ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói: “Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội trong những năm qua tuy có một số thành tựu nhưng còn bộc lộ một số khó khăn, thách thức không nhỏ. Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích cấp quốc gia và 1.264 di tích cấp thành phố. Bên cạnh những giá trị về mặt kinh tế, vật chất, những di sản và bảo vật quốc gia hiện có tại Hà Nội đã và đang mang lại những giá trị về mặt tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống nhiều đời nay cho chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Phạm Quý

daidoanket.vn