Bài chòi và hát xoan xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Cập nhật: 11/12/2017
Phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 diễn ra trong hai ngày 7 và 8-12 tại Hàn Quốc đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” và “Hát xoan Phú Thọ” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo và khẳng định tính hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Việt Nam.

Buổi biểu diễn hát bài chòi phục vụ khách du lịch tại Hội An (Quảng Nam).

Từ dân gian đến sân khấu chuyên nghiệp

Hàng trăm năm nay, bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc, là món ăn tinh thần của nhân dân Nam Trung Bộ. Đây là sản phẩm tinh thần sinh ra từ những người lao động hồn nhiên, chất phác của vùng đất này và không thể thiếu đối với họ. Nghệ thuật bài chòi ra đời khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và gần như không lai tạp trong âm nhạc, trong lời ca cũng như diễn xuất. Từ trò chơi hô, hát trên chòi, canh giữ muông thú phá hoa màu, đã phát triển thành hình thức chơi bài trên chòi có kết hợp diễn kể, dẫn dắt của anh Hiệu (người nghệ sĩ trong hội chơi bài chòi) và trở thành “tục đánh bài chòi” tức là Hội đánh bài chòi đang tồn tại hiện nay. Để thỏa mãn thị hiếu của khán giả về nghệ thuật biểu diễn, các anh Hiệu lại diễn kể trên chiếc chiếu (bài chòi chiếu) với những nội dung ngày càng phong phú hơn, thời lượng dài hơn, có nhân vật, có sự kiện, có tình tiết như các tích truyện: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ, Lang Châu - Lý Ân, Tống Trân - Cúc Hoa. Cùng với sự phát triển về nội dung là nghệ thuật diễn xướng, từ một anh Hiệu hô những câu thoại ngắn, tiến lên hình thức cao hơn là những câu hô dài từ bốn câu, mười câu đến 20 câu, rồi tới những trích đoạn trong các truyện dân gian và hô cả những trích đoạn tuồng của Đào Tấn, trong các vở: Quan công hồi cổ thành, Hộ sanh đàn... Dĩ nhiên, các anh Hiệu (nam và nữ) không thể hô khan như ở sân khấu Hội chơi bài chòi, mà phải làm động tác biểu diễn cách điệu để thể hiện hình tượng nhân vật và khi diễn tả, những lớp tuồng xen kẽ, thì anh Hiệu phải hát khách, hát nam và hát tấu mã mô tả cảnh đi ngựa của tuồng. Cho dù có diễn tả những nội dung mở rộng với nhiều nhân vật, nhưng nhìn chung, bài chòi phải giữ được những làn điệu gốc là Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hồ quảng... Người nghe không thể chấp nhận nếu trong buổi diễn bài chòi mà thiếu bốn làn điệu gốc nêu trên.

Trên nền tảng trình diễn bài chòi dân gian, đã hình thành các đơn vị văn công bài chòi thời kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ và đây chính là nền tảng cho bài chòi tiến lên chuyên nghiệp sau khi tập kết ra bắc cuối năm 1954. Đến năm 1957, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định thành lập đoàn bài chòi chuyên nghiệp đầu tiên tại Hà Nội là Đoàn ca kịch bài chòi Liên khu 5 sau khi tổ chức dàn dựng và biểu diễn thành công vở Thoại Khanh - Châu Tuấn tại Hội diễn sân khấu toàn quốc. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, khu vực Nam Trung Bộ có nhiều đoàn nghệ thuật bài chòi, song hiện chỉ còn lại ba đoàn bài chòi chuyên nghiệp của các tỉnh: Bình Định, Quảng Nam và Khánh Hòa duy trì hoạt động hiệu quả và thường xuyên dàn dựng những vở diễn bài chòi mới. Các địa phương khác trong khu vực tuy không có đoàn bài chòi chuyên nghiệp, nhưng phong trào hô, hát diễn xướng bài chòi vẫn tồn tại và hoạt động sôi nổi. Với tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn, nghệ thuật dân gian bài chòi thu hút rất nhiều người tham gia và cổ vũ. Ý nghĩa của nó không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn nghệ đơn thuần mà còn là môi trường giao tiếp cộng đồng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia...

Qua quá trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong dân gian cũng như trên sân khấu, đồng thời nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo ngành văn hóa, từ trung ương đến địa phương và nhất là sự mến mộ yêu thích của nhân dân, nghệ thuật bài chòi đã từng bước vượt qua những áp lực, tác động của cơ chế thị trường và xu hướng thương mại hóa nghệ thuật truyền thống để đến nay đã đủ cơ sở phát triển bền vững và vừa qua đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự ghi nhận những cố gắng và niềm say mê của đông đảo các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ với bài chòi và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, ngành văn hóa ở cơ sở cũng như trung ương.

Những nỗ lực được đền đáp

Cùng với vinh dự bài chòi được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta vui mừng khi ngay sau đó, di sản “Hát xoan Phú Thọ” cũng đã được đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và được đặc cách chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau sáu năm thực hiện nghiêm công tác gìn giữ, bảo tồn và khôi phục loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng, theo các cam kết với UNESCO.

Khi được đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp với hơn 100 đào, kép, trong đó quá nửa đã hơn 60 tuổi và chỉ có bảy trong số các nghệ nhân hơn 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy, đến nay hát xoan đã được thực hành thường xuyên tại bốn phường xoan gốc của tỉnh Phú Thọ và 101 câu lạc bộ hát xoan cấp tỉnh, cấp huyện với hơn 1.900 người tham gia thực hành hát xoan, tăng gấp hàng chục lần so với trước. Ngoài ra, ở cấp xã cũng đã thành lập được 42 câu lạc bộ hát xoan với hơn 1.300 thành viên. Phú Thọ còn triển khai dự án đưa hát xoan vào học đường với 100% số trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có truyền dạy hát xoan thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình học ngoại khóa với các bài hát xoan phù hợp. Tỉnh Phú Thọ cũng là địa phương đi đầu trong việc vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát xoan cho 52 nghệ nhân. Việc đầu tư, tu bổ các di tích gắn với sự ra đời của hát xoan đã được đặc biệt quan tâm; 20 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện cho trình diễn hát xoan thờ Thần. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, quảng bá hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chú trọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, đoàn thể, góp phần đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng.

Những nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của địa phương cùng sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các trung tâm, viện nghiên cứu, hai di sản bài chòi và hát xoan xứng đáng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có tổng cộng 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh này có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam cùng những cam kết của chúng ta đối với công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của nhân loại, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, gắn kết cộng đồng, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu cao đẹp của UNESCO.

 

Giáo sư HOÀNG CHƯƠNG

nhandan.com.vn
Từ khóa:
Bài chòi, hát xoan,