Cảng Hàng không quốc tế Vinh sẽ có nhà ga mới 5 triệu khách vào năm 2020
Cập nhật: 17/01/2018
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An chiều 12/1, đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng nhà ga mới công suất 5 triệu khách tại Cảng Hàng không quốc tế Vinh trong năm 2020.

Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Nghệ An đề xuất kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu
của Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Google Maps

Trọng điểm phát triển thị trường bay quốc tế

Cảng Hàng không quốc tế Vinh là một trong những cảng rất có tiềm năng, phát triển rất tốt. Từ năm 2012 - 2017, lượt hành khách tăng 3 lần, từ 638.000 lượt khách lên hơn 1,8 triệu lượt khách.

Hiện nay, có 4 hãng hàng không khai thác tại Cảng hàng không Vinh: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific và VASCO, khai thác 7 đường bay nội địa nối Vinh với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Nha Trang, Đà Nẵng và Đà Lạt.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết: Theo phương án dự báo trung bình, dự kiến đến năm 2020 sản lượng Cảng hàng không Vinh đạt 2,5-2,6 triệu khách, năm 2025 là 4,8 triệu và đến năm 2030 là khoảng 7 triệu.

"Phương án dự báo của chúng tôi là đến năm 2020, sản lượng Cảng hàng không Vinh là 3 triệu, năm 2025 là 6 triệu và năm 2030 là 10 triệu khách” - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nói.

Cũng theo Cục trưởng, tại quyết định mới nhất ngày 28/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt  các đề án định hướng phát triển các đường bay trực tiếp với Việt Nam. Trong đề án này, Cục Hàng không xác định Cảng hàng không Vinh là một trong những cảng trọng điểm phát triển các thị trường bay quốc tế.

“Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng mở các đường bay thị trường châu Á như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc đến Vinh. Hiện nay, trong các chương trình đàm phán của Cục Hàng không, chúng tôi cũng đã đưa vào và cũng đã ký kết trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hong Kong, ASEAN-Đài Loan các đường bay đến Vinh” ông Thắng cho biết..

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng nên ưu tiên cải tạo nhà ga quốc tế
đáp ứng nhu cầu hiện nay của Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Thu Giang

Khó kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu

Về đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An liên quan đến kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu tại Cảng hàng không Vinh, đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định luôn ủng hộ nếu đây là kế hoạch khả thi.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ thuật, đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc bị núi cản, càng kéo dài về hướng này ảnh hưởng của núi càng lớn, trong khi phía Nam là thành phố, không thể kéo dài thêm.

“Trường hợp kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu thêm 600 m lên 3.000 m để khai thác máy bay tải trọng lớn hơn thì lại đặt ra vấn đề là tải trọng đường này hiện nay chỉ đáp ứng máy bay A320, 321. Do đó, phải nâng cấp đồng bộ toàn bộ đường cất hạ cánh hiện hữu, tức phải đóng cửa sân bay từ 3-4 tháng”, ông Thắng chỉ ra bất cập.

Tuy nhiên, người đứng đầu Cục Hàng không cũng khẳng định, nếu không điều chỉnh đường cất hạ cánh hiện hữu, Cảng hàng không Vinh vẫn có thể khai thác tốt các máy bay như A321, phù hợp với các đường bay quốc tế dài 5 - 6 tiếng tới các điểm đến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giao nhiệm vụ cho các đơn vị phối hợp với Nghệ An
để hoàn tất, đưa vào khai thác nhà ga mới 5 triệu khách trong năm 2020. Ảnh: Thu Giang

Xây dựng nhà ga mới 5 triệu khách

Cũng tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, ông Đinh Việt Thắng đề xuất ưu tiên số 1 hiện nay là cho phép Cảng Hàng không Vinh xây dựng nhà ga hành khách quốc tế công suất 500-700 nghìn khách trong năm 2018 trên cơ sở cải tạo nhà ga cũ.

“Thứ hai, nhà ga hành khách nội địa hiện nay sẽ làm tiếp giai đoạn 2, nâng lên 2,5 triệu khách. Ưu tiên thứ ba là xây dựng nhà ga mới 5 triệu khách theo đúng quy hoạch ở vị trí mới, chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2018 và dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2020-2022. Khi đó, nhà ga hành khách quốc tế sẽ chuyển sang nhà ga mới 5 triệu khách, còn nhà ga hiện nay chuyển thành nhà ga hàng hóa”, - ông Thắng nêu phương án ưu tiên của Cục Hàng không.

Về đường cất hạ cánh mới, Cục Hàng không đã thống nhất với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP giai đoạn xây dựng, khai thác từ năm 2023-2025. Hiện nay, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP cũng đã bố trí vốn khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng cho đường cất hạ cánh mới này.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, sắp tới dự kiến sẽ tiến hành sửa chữa, cải tạo lại quy trình quốc tế để đáp ứng khoảng 700 nghìn khách quốc tế, 2,5 triệu khách nội địa trong năm 2018-2019, giải quyết vấn đề trước mắt của Nghệ An.

“Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện đường cất hạ cánh và nhà ga mới, tuy nhiên, giai đoạn 2018-2022 phải làm tốt công tác chuẩn bị như giải phóng mặt bằng, thiết kế,…”, - ông Hùng phát biểu.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không Vinh. Ảnh tư liệu

Kết luận về các vấn đề liên quan đến Cảng Hàng không quốc tế Vinh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cần quản lý sao cho đảm bảo hoạt động của sân bay liên tục, không bị gián đoạn.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng giao Cục Hàng không phối hợp với Nghệ An và Tổng Công ty Cảng Hàng không rà soát lại quy hoạch đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách một cách toàn diện để quản lý.

“Tôi cho rằng một khu sân bay cần quản lý ngay từ đầu. Chúng ta phải đề xuất phương hướng thu hồi đất, làm hàng rào, chủ động quản lý toàn bộ, tránh tình trạng người dân xây dựng nhà cửa rồi không cách nào cản”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc làm việc.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị liên quan hoàn thành mục tiêu có nhà ga mới với quy mô hiện đại, chính quy tại thành phố Vinh chậm nhất vào năm 2020 - đúng dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Thu Giang

xaluan.com