Hồ Tây – nét chấm phá đầy thi vị giữa lòng thủ đô
Cập nhật: 13/03/2018
(TITC) - Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Vẻ đẹp của hồ Tây là một nét chấm phá lãng mạn, thi vị trong bức tranh đầy màu sắc của Hà Nội, nơi gặp gỡ, ghi dấu kỷ niệm của biết bao người Hà Nội, nơi níu chân du khách mỗi lần đếm thăm thủ đô.

Không gian thoáng mát trên hồ Tây

Hồ Tây là hồ nước tự nhiên nằm ở phía y bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Những tư liệu lịch sử cho thấy cách đây hàng nghìn năm, hồ Tây là đoạn còn sót lại do sông Hồng chuyển dòng mà thành. Hồ Tây từng có nhiều tên gọi như hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo... Mỗi tên gọi đều gắn với sự tích về nguồn gốc hình thành của hồ. Hồ Tây có thế “Long phượng trình tường - Phượng hoàng ẩm thủy”, trên bờ thuận việc canh tác tằm tang, dưới nước thuận giao thông thủy và chài lưới... Bởi thế mà thời Lý (năm 1138), công chúa Từ Hoa, con Vua Lý Thần Tông đã rời cung về vùng ven hồ Tây dạy dân trồng dâu, nuôi tằm hình thành nên một vùng đất nổi tiếng với nghề tơ tằm, vang danh khắp Kinh thành Thăng Long. Các vua, chúa thời Lý - Trần cũng chọn khu vực ven hồ Tây lập các cung điện để vãn cảnh, như: cung Thúy Hoa vào thời Lý, sang thời Trần đổi tên thành điện Hàn Nguyên và nay thuộc địa phận chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa thời Lý nay thuộc địa phận chùa Kim Liên; điện Thuỵ Chương thời Lê nay thuộc địa phận trường PTTH Chu Văn An...

Hoàng hôn trên hồ Tây

Nhìn từ trên cao, hồ Tây có hình dáng giống chiếc càng cua với góc phía đông được bao quanh bởi đường Thanh Niên - tuyến đường ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, phần còn lại được bao quanh bởi đất liền. Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, quanh năm dập dềnh, lượn sóng mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen, sắc tím của hoa bằng lăng hay vẻ rực rỡ của những cánh phượng hồng mỗi độ hè về. Không gian xung quanh hồ luôn phảng phất những làn gió mát khiến ai đến đây cũng đều cảm thấy thư thái. Mỗi sáng tinh mơ hay khi hoàng hôn xuống , nhiều người thích dạo quanh hồ để hít thở không khí trong lành hay tập thể dục rồi mới bắt đầu một ngày làm việc mới hoặc trở về nhà. Những lúc chiều tà hay khi màn đêm buông xuống cũng là lúc hồ Tây trở thành nơi gặp gỡ bạn bè, nơi hẹn hò, lưu giữ kỷ niệm tình yêu của bao người. Có người tìm cho mình một góc ở bên hồ để hóng gió, nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng, ăn một ly kem tươi mát lạnh. Cũng có người lựa chọn những nhà hàng sang trọng nằm ở ven hồ để vừa ăn vừa ngắm cảnh và tận hưởng những làn gió trong lành. Với vẻ đẹp lãng mạn, hồ Tây còn khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ tạo nên những áng văn chương cùng những tình khúc đầy trữ tình, thi vị.

Chùa Trấn Quốc nằm ở phía đông hồ Tây

 Nằm ven hồ Tây còn có các làng cổ như: làng hoa Nhật Tân, làng hoa Quảng Bá, làng quất Nghi Tàm, làng nghề giấy dó Yên Thái, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã... cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa đậm đặc như: chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, đền Quán Thánh, chùa Bà Đanh... Đặc biệt, trên bán đảo và đảo ở phía đông hồ Tây, 2 di tích nổi tiếng là phủ Tây Hồ (được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 thờ bà chúa Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam) và chùa Trấn Quốc (được dựng vào thời Tiền Lý (thế kỷ 6), dời và phục dựng vào thời Lê Trung Hưng (năm 1615) trên nền cũ của điện Hàn Nguyên) vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh, lễ chùa.  

 

Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của khách du lịch, Công ty TLC Hồ Tây đã đưa vào khai thác các tour du lịch tham quan, ngắm cảnh hồ Tây và vùng phụ cận bằng xe điện như: “Vãn cảnh hồ Tây”, “Bình minh Tây Hồ”, “Du ngoạn Hồ Tây”; "Tham quan làng đúc đồng Ngũ Xã", “Tham quan làng hoa Nhật Tân”... Tham gia các tour du lịch này, du khách không chỉ được thưởng lãm vẻ đẹp hồ Tây hiện nay mà còn có dịp hoài niệm về “Tây Hồ bát cảnh”.

 

Lam Phương

Từ khóa:
Hồ Tây, Hà Nội,