(TITC) – Sáng ngày 13/3/2018, tại trụ sở Tổng cục Du lịch đã diễn ra buổi đón tiếp đoàn công tác Hội Đại học quốc gia Singapore (NUSS).
Toàn cảnh buổi tiếp
NUSS là câu lạc bộ có uy tín tại Singapore, gồm các thành viên là những người đã tốt nghiệp các trường Đại học ở Singapore và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp Singapore nổi tiếng và thành đạt. Từ ngày 12-15/3/2018, đoàn công tác NUSS gồm khoảng 20 doanh nghiệp đến khảo sát, tìm hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.
Tại buổi tiếp, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL) Lê Tuấn Anh đã giới thiệu tổng quan về du lịch Việt Nam. Theo đó, trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều khách quốc tế, đặc biệt phát triển bùng nổ trong năm 2016 và 2017. Năm 2016, lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón được 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015. Năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 13 triệu lượt, tăng 29,1% so với năm trước. Thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Đông Bắc Á, Tây Âu, Nga, Đông Nam Á, Úc… Singapore cũng là 1 trong những thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam, năm 2017 đã có gần 280 nghìn lượt khách Singapore đến Việt Nam, tăng 8% so với năm trước.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL) Lê Tuấn Anh (phải) tặng quà kỷ niệm đại diện đoàn công tác NUSS
Bên cạnh việc tăng trưởng lượng khách quốc tế, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng phát triển. Các khách sạn 3-5 sao hướng đến dòng khách có chi tiêu cao tăng lên rõ rệt, từ 598 cơ sở với 62.002 buồng năm 2013 tăng lên 784 cơ sở với 91.250 buồng năm 2016, các dịch vụ vui chơi giải trí ngày càng phong phú, hiện đại.
Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế với sự khuyến khích phát triển của Chính phủ đã tăng mạnh từ 888 doanh nghiệp năm 2010 lên 1.600 doanh nghiệp năm 2016.
Các sản phẩm du lịch Việt Nam được xây dựng và đưa vào khai thác phục vụ khách quốc tế và nội địa rất phong phú như biển đảo, văn hóa sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, thành phố, MICE, chữa bệnh… Các sản phẩm ngày càng được đầu tư, cải tiến, nâng cấp theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống, đáp ứng nhu cầu du lịch cao và đa dạng của du khách.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Đánh giá cao sự phát triển nhanh và vượt bậc của du lịch Việt Nam, các đại biểu cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư, kết nối các đối tác chiến lược trong lĩnh vực du lịch, qua đó thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh và mạnh hơn nữa. Cũng tại buổi tiếp, đại diện TCDL cùng các đại biểu Singapore đã trao đổi, chia sẻ một số thông tin về các chính sách khuyến khích phát triển du lịch của Chính phủ Việt Nam; thương hiệu du lịch Việt Nam; việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông góp phần phát triển du lịch; các sản phẩm du lịch tại các vùng, miền; các chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch…
Tin, ảnh: Thu Thủy