Trong vòng hai năm tới, người Việt Nam có xu hướng du lịch nhiều hơn, chi tiêu “mạnh tay” hơn và khám phá những quốc gia khác ngoài khu vực châu Á.
Đây là thông tin được Visa công bố dựa trên Khảo sát về xu hướng du lịch toàn cầu trong năm 2018, thực hiện trên hơn 15.000 người đến từ 27 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Một trong những kết quả nổi bật nhất của Báo cáo chỉ ra rằng khách du lịch trên toàn thế giới có xu hướng du lịch ngắn ngày hơn với mật độ thường xuyên hơn, mục đích chủ yếu là gắn kết gia đình và bạn bè. Bên cạnh đó, nguy cơ thất lạc hoặc mất cắp tiền mặt tại điểm đến vẫn là nỗi lo thường trực. So với các quốc gia khác, người Việt có hành trình du lịch ngắn nhất trên thế giới với 74% chuyến đi kéo dài trong 4 đêm hoặc ít hơn.
Với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch, kết quả báo cáo cho thấy ranh giới giữa những động lực thúc đẩy người dân đi du lịch đang dần bị xoá nhòa. Sự kết hợp của “mục tiêu khám phá” và “mục tiêu tận hưởng” là những động lực chủ yếu. Trong số 5 động lực chính khi đi du lịch, những người du lịch vì cảm giác “tận hưởng” thường đi để gắn kết hơn với bạn bè và người thân hay đơn giản là tận hưởng thời gian một mình; những người du lịch “khám phá” có xu hướng trải nghiệm nhiều hơn các nền văn hóa mới và thăm thú nhiều điểm đến hấp dẫn. Cứ mười người du lịch quốc tế thì có sáu người (63%) trả lời rằng họ đi du lịch vì cả hai lý do này. Tỉ lệ tương ứng ở Việt Nam là 72%, có nghĩa là bảy trên mười người.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một loạt xu hướng tích cực của của du khách Việt Nam như: Các chuyến đi dần ngắn hơn và trung bình chuyến du lịch gần nhất của họ chỉ kéo dài 4 đêm, ngắn hơn rất nhiều so với con số trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương (7 đêm). Người Việt cũng chọn công nghệ hỗ trợ lên kế hoạch du lịch và điều hướng trong chuyến đi. Mỗi du khách Việt dự kiến sẽ chi khoảng 1.100 USD trong chuyến đi tiếp theo. Trung bình trong chuyến đi gần nhất, họ chỉ chi 880 USD. Đáng chú ý, 74% du khách được hỏi cho biết sẽ sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ cho những chi tiêu trước chuyến đi; và khi thực hiện giao dịch tại điếm đến, nhiều người sử dụng thẻ để thanh toán nhưng phần lớn du khách vẫn thích mang theo tiền mặt dưới dạng ngoại tệ hơn.
Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào - chia sẻ: Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều của tầng lớp trung lưu và khá giả, sẽ có nhiều người hứng thú với du lịch quốc tế hơn. Điều này đã được chứng minh rõ nét trong kết quả khảo sát của chúng tôi: người dân đi du lịch nhiều hơn, chi tiêu cho du lịch “mạnh tay” hơn, trong khi công nghệ cho phép họ lập kế hoạch cho chuyến đi và đặt phòng một cách dễ dàng. Chúng tôi còn nhận ra những dấu hiệu tích cực trong việc sử dụng thẻ khi du khách Việt thường xuyên dùng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng để thanh toán tiền khách sạn, chuyến bay và các hoạt động trước chuyến đi.
Mai Ca