Ngày 15/3, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo bài trí, sắp xếp trong di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Ðông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái.
Dự buổi Hội thảo có đại diện một số cơ quan chuyên môn của Bộ VHTTDL; các giáo sư, tiến sĩ; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá, các đơn vị chức năng của tỉnh Yên Bái. Ông Ðỗ Ðức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chủ trì buổi hội thảo.
Ðền Ðông Cuông tên gọi khác là Ðền Thần Vệ Quốc, Ðông Quang, sơ khởi là miếu thờ Ðông Quang công chúa do các dòng họ Hà, họ Hoàng, là người Tày Khao sáng lập. Năm 1995, UBND tỉnh ra quyết định cho phép nhân dân xã Ðông Cuông, huyện Văn Yên xây dựng lại ngôi đền Ðông Cuông ngay trên nền của đền cũ. Năm 2000, Ðền được công nhận là Di tích cấp tỉnh, đến năm 2009, Ðền Ðông Cuông được công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Trong những năm qua, di tích thường xuyên được tu bổ, chống xuống cấp và tôn tạo phù hợp với quy hoạch và đáp ứng được nguyện vọng của du khách thập phương đến hành hương và tham gia việc tổ chức Lễ hội hằng năm. Tuy nhiên, ngoài các hạng mục, các công trình phụ trợ đã được xây dựng và trùng tu tôn tạo thì ngôi Ðền chính đã xuống cấp. Cùng với đó, các kiến trúc bên trong khu vực Ðền chính như: Hậu Cung và Cung Chúa được xây dựng trước, Tòa Ðại Bái được xây dựng sau, do vậy kiến trúc của Ðền chính không đồng nhất, không đảm bảo về mỹ quan và kiến trúc, diện tích của Ðền không đáp ứng được nhu cầu tham quan và hành lễ của nhân dân và du khách thập phương.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái khẳng định, việc trùng tu, tôn tạo hạng mục Đền chính của di tích Ðền Ðông Cuông là cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân; tri ân các bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh. Tỉnh Yên Bái đã lập dự án tôn tạo hạng mục Đền chính bằng nguồn vốn xã hội hóa và được Bộ VHTTDL thẩm định và phê duyệt. Sau khi hạng mục Ðền chính Ðông Cuông được tu bổ, tôn tạo, nhiệm vụ tiếp theo là bài trí sắp xếp các ban thờ, hệ thống tượng thờ, đồ thờ tự trong đền là rất quan trọng, để vừa thể hiện được sự tôn nghiêm, linh thiêng của đền, đồng thời phải có sự hài hòa không gian nội thất, có tính thẩm mỹ cao, đảm bảo yếu tố gốc, phù hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu của ngôi đền thờ truyền thống ở Việt Nam.
Tại Hội thảo các giáo sư, tiến sĩ; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa đã đóng góp những ý kiến tâm huyết của mình, trao đổi, thống nhất các hình thức bài trí, sắp xếp trong trong di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Ðông Cuông.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Ðỗ Ðức Duy nhấn mạnh: Việc tôn tạo, tu bổ đền cần đáp ứng nguyện vọng, phù hợp với tín ngưỡng của người dân địa phương. Về phương án thiết kế, tôn tạo phải tôn trọng tối đa tính nguyên mẫu, kiến trúc phải có nét đặc trưng gắn với nét sinh hoạt của bà con người Tày. Trong quá trình thiết kế tôn tạo cần điều chỉnh kiến trúc đảm bảo không gian đáp ứng yêu cầu chiêm bái, hành lễ của du khách thập phương. Giữ cơ bản gắn với nguyên mẫu phần nội thất nhưng có thể điều chỉnh bổ sung sao cho phù hợp với trật tự thờ Mẫu trên nguyên tắc đảm bảo đầy đủ chức năng, nội dung như hiện nay.
Về phương án bài trí, ông Duy cho rằng các phương án của các chuyên gia, các nhà khoa học đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tiếp nhận tất cả ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn hoàn thiện xây dựng quy hoạch mặt bằng hoàn chỉnh tất cả các công trình trong khu di tích, trước khi báo cáo Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng để có phương án phù hợp nhất, tối ưu nhất.