Nhân dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, ngày 24/7/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh tại tỉnh Quảng Ngãi.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, trên 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo cổ học, các giáo sư, tiến sĩ trong nước và quốc tế cùng đại diện một số tỉnh và thành phố khác trên cả nước…
Tại hội thảo, trên 60 tham luận của các đại biểu đã làm sáng tỏ các vấn đề về nguồn gốc, các giai đoạn tiền Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh của văn hóa Sa Huỳnh; mối quan hệ giao lưu giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai-Óc Eo ở miền Nam cũng như giữa văn hóa Sa Huỳnh và các nền văn hóa tiền sử, sơ sử trong khu vực và trên thế giới...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đề xuất các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa Sa Huỳnh, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng các di tích lịch sử thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh là di tích cấp tỉnh và di tích cấp quốc gia; đồng thời, cần tập trung ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật trái phép, bảo vệ các di chỉ khảo cổ đã được khai quật và sẽ được khai quật để phục vụ cho công việc nghiên cứu, nhận diện rõ hơn về nền văn hóa này, để di sản văn hóa Sa Huỳnh mãi mãi trở thành tài sản văn hóa quý của đất nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, tỉnh Quảng Ngãi có tổ chức trưng bày hiện vật về văn hóa Sa Huỳnh tại các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cùng các tour tham quan một số địa điểm đặc trưng về văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi.
|
Mộ chum Sa Huỳnh |
Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa thuộc thời đại sắt, cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm, có nguồn gốc bản địa, với địa bàn phân bố rộng và tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam. Một trong những đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum, mộ vò, được chôn thành cụm, ở những cồn cao ven biển, ven sông với các hình thức: cải táng, hỏa táng, hung táng và mộ tượng trưng. Trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số lượng mộ chum Sa Huỳnh tuy không nhiều nhưng đa dạng về kích thước và kiểu dáng như: chum hình trụ, chum hình trứng, chum hình cầu, chum lồng nhau...