Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2018, đồng bào dân tộc Pa Kô của tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ hội Ariêu Ping (cải táng, thay nhà mới cho người thân đã khuất). Đây là lễ hội truyền thống mang đậm tính tâm linh trong đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng cao.
Năm nay, đồng bào Pa Kô ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện miền núi ĐaKrông tổ chức lễ hội Ariêu Ping với nhiều hoạt động như: cất bốc hài cốt người đã khuất về tập trung lại một khu đất trống để người nhà và bà con láng giềng tổ chức đánh chiêng, trống và dâng hương. Đây là nghi lễ để người còn sống báo cáo với tổ tiên về những thành tựu đã đạt được, cầu mong sự siêu thoát cho những người đã khuất và mong tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, may mắn trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương, đất nước... Bên cạnh đó, lễ hội còn có các hoạt động liên hoan văn nghệ, các trò chơi dân gian…
Ông Hồ Văn Làm, Trưởng thôn A Bung cho biết: Lễ hội Ariêu Ping lần trước được người dân thôn A Bung tổ chức vào năm 2002. Qua lễ hội, người dân Pa Kô bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với tổ tiên. Các hoạt động được tổ chức trong lễ hội giúp người dân trao đổi kinh nghiệm làm ăn, sản xuất, nhờ đó mà nâng cao đời sống của bà con. Đặc biệt, đây là dịp để đồng bào Pa Kô thắt chặt tình đoàn kết hàng xóm láng giềng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Tùy vào quyết định của già làng, khoảng từ 5 đến 16 năm, lễ hội Ariêu Ping thường được đồng bào dân tộc Pa Kô sinh sống ở vùng cao của tỉnh Quảng Trị được tổ chức 1 năm một lần. Trong những ngày diễn ra lễ hội Ariêu Ping, các hoạt động được đồng bào nơi đây chung tay cùng nhau thực hiện là bốc mộ người đã khuất, làm nhà mồ mới của các dòng họ tập trung về một khu vực để tiện bề chăm sóc, thờ cúng, làm cây nêu, đánh trống, chiêng... Qua đó, lễ hội thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết trong dòng họ và cộng đồng.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động của lễ hội cũng để con cháu trong các dòng họ nhận biết nhau, tránh tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Kết thúc lễ hội, hài cốt của những người đã mất được thân nhân đưa về an táng tại các nhà mồ của mỗi dòng họ được xây dựng đúng với truyền thống văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Kô..../.