Sáng 10/4, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã có buổi làm việc với Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam về việc chuẩn bị hồ sơ trình Ban Bí thư xem xét cho phép chuyển giao Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam về Bộ Quốc phòng quản lý.
Tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là di tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Việc chuẩn bị hồ sơ trình Ban Bí thư cho phép chuyển giao di tích này về Bộ Quốc phòng cần nhận được những ý kiến đóng góp từ Bộ VHTTDL.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ VHTTDL với Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, Bộ VHTTDL đồng ý với chủ trương chuẩn bị hồ sơ trình Ban Bí thư xem xét chuyển giao Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Thứ trưởng cũng khẳng định, trong những năm qua, Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được Bộ VHTTDL quan tâm đầu tư, bảo tồn và UBND tỉnh Tây Ninh gìn giữ, phát huy giá trị. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên mong muốn, Di tích sẽ được khai thác, phát huy giá trị, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, địa chỉ đỏ trong giáo dục lịch sử cách mạng Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại buổi làm việc
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở về phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60km.
Khu di tích còn được biết tới với những tên gọi khác, như: R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam); Căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt Căn cứ); Căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài); Căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng. Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 (ảnh Dulich24)
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị đặc biệt. Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam. Lịch sử đã chứng minh, quyết định thành lập Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn với nhân dân, đặc biệt về bài học xây dựng Đảng.
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam bộ. Di tích không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhất là đối với các thế hệ trẻ Việt Nam.
Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTG)./.
Tin, ảnh: Hồng Hà