Ngày 11/4/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức lễ đón Bằng UNESCO công nhận “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” tại Quảng Nam.
Theo kế hoạch, lễ đón bằng công nhận sẽ được tổ chức tại TP.Hội An vào tối ngày 7/5/2018. Dự kiến buổi lễ sẽ có sự tham gia của các nghệ nhân, Câu lạc bộ Bài chòi trong tỉnh; đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc, Hội đồng Di sản quốc gia cùng đại diện các tỉnh, thành phố có nghệ thuật bài chòi như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…
Buổi lễ sẽ là cơ hội để tiếp tục quảng bá, tôn vinh những giá trị độc đáo của nghệ thuật bài chòi Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng, đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời thể hiện tinh thần, trách nhiệm của tỉnh trong việc bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương và du khách…
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi".
Ngày 7/12/2017 (giờ Việt Nam), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO./.