(TCDL) - Ngày 03/5/2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam - Singapore lần thứ 15, diễn ra tại Singapore.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore đồng chủ trì Phiên họp
Phiên họp Ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam - Singapore là cơ chế hợp tác song phương đã được thành lập và triển khai hiệu quả từ năm 1994, phiên họp là dịp để hai bên trao đổi về tình hình phát triển du lịch, chia sẻ thông tin về sản phẩm mới và đưa ra các giải pháp, hoạt động hợp tác cụ thể góp phần tăng cường hợp tác du lịch, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Singapore. Phiên họp lần thứ 15 do Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu và ông Chang Chee Pey, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore đồng chủ trì. Phía Singapore có đại diện Cục Doanh nghiệp Quốc tế Singapore (ESG) và Hiệp hội các hãng tàu biển quốc tế (CLIA) cùng tham dự phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Trưởng đoàn Việt Nam và Singapore cùng đánh giá cao những thành tích đã đạt được trong hợp tác du lịch hai nước: Năm 2017, trao đổi khách hai chiều đạt trên 800.000 lượt, trong đó, khách Việt Nam đến Singapore đạt hơn 530.000 lượt, tăng 21% so với năm 2016. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh, Singapore là một trong 10 thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam và du lịch Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng để tiếp tục thu hút khách du lịch từ thị trường này, đặc biệt từ phân khúc khách du lịch gia đình và thanh niên. Hai bên cũng khẳng định trong những năm qua, các hoạt động hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Singapore đã được coi trọng, thực hiện hiệu quả trong cả khuôn khổ song phương và đa phương (ASEAN, APEC). Triển khai kết quả Phiên họp Ủy ban Hợp tác du lịch Việt Nam - Singapore lần thứ 14 năm 2016, Việt Nam đã đón đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp lữ hành và báo chí Singapore trong tháng 9/2017.
Tại phiên họp, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch trong hai năm qua và những sản phẩm du lịch mới đặc sắc. Tổng cục Du lịch Singapore giới thiệu logo và slogan du lịch mới của Singapore: “Passion Made Possible”, dự án tiếp tục mở rộng sân bay Changi, công viên chủ đề Mandai... Việt Nam cũng chia sẻ số liệu tăng trưởng du lịch và một số chính sách mới, đặc biệt là chính sách thí điểm thị thực điện tử.
Cục Doanh nghiệp Quốc tế Singapore (ESG) cho biết Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư trọng điểm của Singapore, trao đổi thương mại hai chiều năm 2017 đạt 21,6 tỷ đô-la Mỹ. Hiện nay ESG có 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực du lịch, Singapore đang đầu tư vào dự án Laguna Lăng Cô giai đoạn 2 (tổng dự án đã được tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ đô-la Singapore), bao gồm xây dựng khách sạn, căn hộ, biệt thự và casino. ESG thông tin thêm, các công ty Singapore đang quan tâm đến khả năng đầu tư vào các cảng hành khách tàu biển tại Việt Nam và đang nghiên cứu, đánh giá các điểm du lịch tàu biển tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Phú Quốc, Hạ Long và Hải Phòng. Hai bên nhất trí thời gian tới sẽ xem xét cùng tổ chức đoàn khảo sát cho các nhà đầu tư của Singapore tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội, điều kiện đầu tư cụ thể.
Nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng về Kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore năm 2018, hai bên sẽ gặp gỡ, trao đổi thông giữa các doanh nghiệp để xúc tiến đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực du lịch.
Thảo luận về hợp tác du lịch tàu biển, Việt Nam và Singapore trình bày những phát triển mới trong xây dựng sản phẩm, tăng cường chất lượng dịch vụ, quảng bá và đón khách du lịch tàu biển. Trong năm 2017, đã có nhiều hãng tàu biển đến Việt Nam và Singapore như: Royal Caribean Cruises, Princess Cruises, Silver Sea Cruise, Costa Cruises... Theo Hiệp hội các hãng tàu biển quốc tế (CLIA), năm 2018, hãng tàu Princess Cruises sẽ đưa 80.000 du khách đến Việt Nam, tăng 40% so với năm 2017. Năm 2016, Việt Nam là điểm đến tàu biển đứng thứ 4 của khu vực châu Á (chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), tính theo số lượng tàu biển cập cảng. Tuy nhiên, tính chung trong giai đoạn 2013-2017, tốc độ tăng trưởng số lượng tàu biển cập cảng của Việt Nam chỉ đạt trung bình 4,6%/năm, thấp hơn của Đông Nam Á (8,1%) và châu Á (26,3%).
Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp khai thác kết nối điểm đến giữa Singapore - đất nước có lợi thế là trung tâm tàu biển hiện đại và điểm trung chuyển hàng không của khu vực, và Việt Nam - điểm đến cung cấp nhiều trải nghiệm du lịch cho khách tàu biển. Việt Nam đề xuất Singapore hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường khách du lịch tàu biển tới khu vực Đông Nam Á đặc biệt là các thị trường khách nói tiếng Trung, châu Á (ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản), Úc, Ấn Độ; cung cấp thông tin về chương trình du lịch tàu biển mùa 2018-2019 của các hãng tàu sẽ khởi hành từ Singapore và phối hợp nghiên cứu, điều tra thị trường khách tàu biển.
Nhân dịp này, Singapore cũng chia sẻ với Việt Nam - nước chủ nhà Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 kinh nghiệm tổ chức ATF 2017.
Thực hiện: Tố Linh