Hà Nội xây dựng 7 chương trình du lịch đặc biệt
Cập nhật: 30/07/2009
Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Năm Du lịch quốc gia 2010, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội xây dựng 7 chương trình du lịch rất đặc biệt và có ý nghĩa lịch sử, đó là:

- Chương trình du lịch “Hành trình qua một số vùng kinh đô Việt cổ”: Đây là chương trình du lịch có tính liên vùng, nhằm tìm hiểu và khám phá những giá trị đặc sắc của văn hóa cội nguồn, lịch sử dân tộc tại một số di tích lịch sử ở Việt Nam như: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Thành nhà Hồ, Lam Kinh (Thanh Hóa), Phượng Hoàng Trung đô (Nghệ An) và Kinh thành Huế (Thừa Thiên Huế).

Tham quan, nghỉ dưỡng tại Vườn Quốc gia Ba Vì

- Xây dựng các chương trình du lịch sinh thái tại Ba Vì (Hà Nội).

- Chương trình du lịch “Hành trình qua các điểm đến gắn với Phật Giáo và Triều đại nhà Lý”: Thành Cổ Luy Lâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), Yên Tử (thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội), chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội)…

- Khảo sát và xây dựng chương trình du lịch chuyên đề các Bảo tàng ở Hà Nội, như: Bảo tàng Lịch Sử, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Dân tộc học,...

- Xây dựng và quảng bá chương trình du lịch đến với các làng nghề của Hà Nội: Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng thêu ren Quất Động (huyện Thường Tín) và các làng nghề ở huyện Chương Mỹ.

           Thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)

- Tour làng cổ - phố cổ. Đây là chương trình du lịch qua các phố cổ, thành cổ và làng cổ ở Hà Nội như: Khu phố cổ Hà Nội, Thành Cổ Loa (huyện Đông Anh), Thành cổ Sơn Tây, làng Việt cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…

- Tour võ thuật Hà Nội - khai thác các nét tiêu biểu, đặc sắc và thế mạnh của võ thuật Việt Nam và Hà Nội để phát triển du lịch.

Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà. Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Đại lễ là thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu và tôn vinh vẻ đẹp văn hóa cổ kính của Thăng Long xưa và vẻ đẹp văn hóa hiện đại của Hà Nội ngày nay.
Trung tâm Thông tin du lịch biên tập