Ngày 14/6, tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) và Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức Chương trình “Hành động vì Hạ Long xanh: Hướng tới du lịch không rác”.
Khu neo đậu tàu du lịch vào hang Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long. Ảnh: Quang Quyết
Hoạt động “Hành động vì Hạ Long xanh” nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 2018 với chủ đề “Giảm rác thải nhựa - nếu bạn không thể tái sử dụng, hãy từ chối”.
Tham gia chương trình lần này có hơn 100 đại diện đến từ các công ty du thuyền, đại lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch, sinh viên và giảng viên các trường đại học du lịch và khách sạn, USAID, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia và báo chí. Chương trình còn ghi nhận sự đóng góp của Công ty thời trang BOO và du thuyền La Regina.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, tỉnh Quảng Ninh cũng như Ban quản lý vịnh Hạ Long đã và đang tập trung nguồn lực và nhiều giải pháp nhằm tăng cường thực hiện quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là đầu tư cho bảo vệ môi trường. Những hành động được triển khai như: Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Đề án bảo vệ, cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh trong đó có vịnh Hạ Long…
Tỉnh cũng tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật bảo vệ môi trường. Cụ thể là 100% tàu du lịch lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước; nghiên cứu sản xuất thùng rác nổi trên biển, đến nay đã lắp đặt 10 thùng tại các điểm tập trung nhiều hoạt động kinh tế-xã hội trên vịnh Hạ Long; lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các hoạt động tại một số điểm tham quan du lịch; thử nghiệm dầu diesel sinh học cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch.
Theo ông Michael Greene, Giám đốc Tổ chức hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đây là lần thứ 4 Chương trình “Hành động vì Hạ Long xanh” được tổ chức kể từ năm 2016. Thông qua đó, nhiều hoạt động đã diễn ra với sự tham gia của các doanh nghiệp như tập huấn thu gom và phân loại rác thải, tổ chức cuộc thi cho sinh viên về các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa và các chiến dịch làm sạch bờ biển. Trong ba chương trình trước, các tình nguyện viên đã thu gom được 4 tấn rác thải, trong đó chủ yếu là phao xốp và chai nhựa.
Tại chương trình, các đại biểu tham gia được hiểu rõ khái niệm zero waste (không thải rác) và cách tiếp cận này trong thực tế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn để giảm thiểu rác thải từ hoạt động du lịch. Theo đó, doanh nghiệp được tập huấn về phân loại và kiểm toán chất thải để có thông tin về loại, nguồn gốc và thành phần chất thải từ hoạt động của doanh nghiệp trước khi xây dựng chính sách giảm thiểu rác thải.
Các đại biểu thảo luận các bước tiếp theo để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và khách sạn áp dụng "zero waste". Cụ thể, các doanh nghiệp cần phải có bài toán hạch toán tốt về rác thải; đồng thời lựa chọn phương pháp hành động để giảm rác thải nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời hạn chế hành vi gây tác động ô nhiễm môi trường.
Chương trình lần này tập trung khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và khách sạn thực hiện các hành động cụ thể giảm thiểu rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Hướng tới du lịch không rác không những giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, mà còn là cơ hội marketing, đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp nhờ việc nâng cao hình ảnh doanh nghiệp xanh, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường vịnh xanh, sạch và hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
Với hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động và 4 triệu khách du lịch hàng năm, vịnh Hạ Long đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam. Do đó, việc đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn được coi là công việc trước mắt cần phải làm để duy trì các giá trị môi trường của vịnh Hạ Long.
Diệu Thúy