"Làng Nôm và chùa Nôm là quần thể di tích mang kiến trúc độc đáo của làng Việt cổ, thể hiện đậm nét dấu ấn văn hóa của nền văn minh sông Hồng cần được bảo tồn".
Một góc chùa Nôm. Ảnh: Phạm Kiên
Đây là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại hội thảo "Chùa Nôm, Làng Nôm - Những giá trị văn hóa và lịch sử" diễn ra ngày 18/6, tại Hưng Yên. Các tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích sự hình thành, phát triển của chùa Nôm và làng Nôm như: Chùa Nôm trong hệ thống di sản văn hóa tôn giáo tín ngưỡng ở làng Nôm; Chùa Nôm sức hút và sự lan tỏa; Văn bia đình làng Nôm; Biến đổi không gian cảnh quan xu hướng kiến trúc truyền thống làng Nôm; Hệ thống tượng phật làng Nôm; Chùa Nôm xưa và nay...
Chùa Nôm được xây dựng từ thời Lý, có tên là "Linh Thông cổ tự" tọa lạc ở phía Đông Bắc của làng Nôm. Khác với các ngôi chùa thuộc vùng Bắc Bộ thường nằm gần làng hoặc trong làng, chùa Nôm nằm giữa cánh đồng. Đây là ngôi chùa mang nhiều dấu ấn kiến trúc truyền thống lâu đời và được khởi sự từ rất sớm. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Nôm còn lưu giữ được nhiều cổ vật, trong đó có hơn 100 pho tượng cổ và nhiều hiện vật khác như: Bia đá, chuông đồng, văn khắc và nhiều tư liệu quý…
Làng Nôm là một quần thể di tích gồm: Chợ Nôm, đình làng Nôm, cây cầu đá, chợ Nôm cổ, các xóm ngõ dân cư với những ngôi nhà cổ tồn tại cách đây hơn 200 năm. Quần thể di tích này đến nay vẫn còn giữ được nhiều giá trị truyền thống của làng Việt Bắc Bộ với những nét kiến trúc độc đáo cổ xưa, tạo nên cảnh quan hữu tình, là điểm đến du lịch hấp dẫn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Chùa Nôm hiện nay không đơn thuần là một công trình tín ngưỡng Phật giáo mà là một quần thể đan xen nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc cổ và phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội qua các thời kỳ lịch sử của đất nước nói chung và vùng đất này nói riêng. Việc phát huy những giá trị di tích chùa Nôm, làng Nôm phải lấy giáo dục đạo đức, lối sống cho người dân làm đầu. Vì vậy, việc phát triển du lịch làng Nôm không phải là thu lợi nhuận, mà là lan tỏa những giá trị bền vững bên trong của làng cổ gắn với đời sống con người.
Theo các nhà khoa học, trải qua các thời kỳ lịch sử, sự tồn tại của di tích chùa Nôm cũng như quần thể di tích tôn giáo, tín ngưỡng và những công trình kiến trúc nhà cổ hiện có tại làng Nôm, đã góp phần tạo nên một thiết chế văn hóa tinh thần quan trọng của văn hóa làng Việt. Hơn nữa, sự tồn tại của những công trình này trong một tổng thể không gian chung của làng quê Bắc Bộ đã góp phần tạo nên những giá trị về mặt kiến trúc, cảnh quan, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa khác. Do đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa này không chỉ là việc riêng của chùa Nôm, làng Nôm.
Quang cảnh chùa Nôm nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Kiên
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: Để phát huy những giá trị của quần thể di tích, mỗi người dân làng Nôm nói riêng và mỗi người dân Hưng Yên nói chung cần am hiểu lịch sử địa phương mình, trong đó có lịch sử hình thành, phát triển của chùa Nôm, làng Nôm, để có thể trở thành người hướng dẫn viên bản địa, nhằm quảng bá những giá trị văn hóa của địa phương, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Mai Ngoan